Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình, dự án của các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp hội viên; qua đó nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề nghiệp cho các thành viên của Hiệp hội DNNVV.
Ảnh minh họa
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội.
Thông báo nêu rõ, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát; tuy nhiên tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng là rất lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, suy giảm thị trường tiêu thụ và dự báo sẽ vẫn chưa thể khắc phục ngay.
Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các Hiệp định thương mại vừa ký kết đang tạo ra cơ hội chưa bao giờ có nhưng cũng đi kèm rất nhiều thách thức và yêu cầu mới. Do đó, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên cần tập trung vào một số nội dung.
Cụ thể, đẩy mạnh phát triển tổ chức, phấn đấu 63/63 tỉnh, thành có tổ chức của Hiệp hội DNNVV; qua đó, thực hiện tốt vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; thường xuyên trao đổi thông tin, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội DNNVV phải thực sự đại diện cho nguyện vọng của các thành viên Hiệp hội DNNVV, xây dựng mối liên kết trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước; giữa các địa phương trên cả nước; phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương phát động phong trào Khởi nghiệp sáng tạo trong nhân dân, nhất là trong độ tuổi thanh niên đầy hoài bão.
Đi đầu trong việc tăng cường ứng dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc thiết bị công nghệ cao vào sản xuất, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Phát huy vai trò là đại diện cho các DNNVV để phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng các cơ chế chính sách tốt, phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình, dự án của các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp hội viên; qua đó nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề nghiệp cho các thành viên của Hiệp hội DNNVV; đặc biệt các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, áp dụng nền tảng công nghệ 4.0, nghiên cứu tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để phát triển.
Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai các nội dung hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Với số lượng chiếm đa số trên tổng số doanh nghiệp của cả nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; trong đó đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng 50% lực lượng lao động của cả nước.