1. Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Đặc trưng của những cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) trước đây là việc ứng dụng các kỹ thuật khác nhau vào sản xuất. Cuộc CMCN lần thứ nhất dùng nước và hơi nước để cơ khí hóa sản xuất. Cách mạng lần thứ hai sử dụng điện năng phục vụ cho sản xuất hàng loạt. Cách mạng lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Và giờ đây, CMCN lần thứ tư dựa trên nền tảng cuộc CMCN lần thứ ba và đi kèm với cách mạng số khởi nguồn từ giữa thế kỷ trước.
Đặc trưng của cuộc cách mạng lần này là việc đẩy mạng phát triển công nghệ giúp xóa mờ ranh giới giữa các yếu tố vật chất, kỹ thuật số và sinh học. Định nghĩa một cách rộng hơn, đặc trưng của CMCN 4.0 là sự cải tiến công nghệ một cách nhanh chóng thông qua việc tăng cường sử dụng truyền thông di động và kết nối Internet (Internet vạn vật), dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot, phương tiện tự điều khiển, công nghệ in 3D, nano và công nghệ sinh học, công nghệ điện toán...
Hình 1. Các cuộc cách mạng trong quá khứ và hiện tại.
1.1. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0
Lĩnh vực lao động và việc làm đang trải qua những thay đổi lớn ở quy mô chưa từng có do sự chuyển dịch của một số yếu tố như: sự cải tiến của công nghệ, tác động của biến đổi khí hậu, sự thay đổi đặc tính của sản xuất và việc làm… (xem Sáng kiến thế kỷ của ILO về tương lai việc làm). Đặc biệt, các quốc gia trên toàn thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ, thường được gọi là CMCN 4.0. CMCN đang diễn ra mạnh mẽ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Việt Nam, quốc gia đang chứng kiến sự cải tiến và ứng dụng công nghệ tại nơi làm việc ở tốc độ nhanh hơn bao giờ hết và rất đa dạng trong các ngành nghề khác nhau.
Cùng với sự chuyển dịch toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị, CMCN 4.0 đem lại nhiều cơ hội và thách thức trong lĩnh vực việc làm, với những tác động trực tiếp và gián tiếp đối với các ngành nghề trong nền kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ) cũng như các nhóm người lao động bao gồm cả những nhóm dễ bị tổn thương nhất (thanh niên, phụ nữ…).
1.2. Công nghệ mới: tạo việc làm, chuyển đổi hay hủy hoại?
Trong các ngành công nghiệp sản xuất thuộc các nền kinh tế phát triển, hiệu ứng “phân cực việc làm” đã tạo ra nỗi lo sợ về giảm việc làm đối với một số ngành nghề và bất bình đẳng gia tăng.
Khái niệm “phân cực việc làm” mô tả xu hướng tăng cầu lao động có tay nghề cao với mức lương cao hơn (như các nhà quản lý, chuyên gia và nhân viên kỹ thuật) và các ngành nghề đòi hỏi tay nghề thấp với mức lương thấp (như nhân viên bán hàng, lao động giản đơn, dịch vụ). Đồng thời, cầu việc làm yêu cầu tăng nghề bậc trung với mức thu nhập trung bình giảm đi (như thư ký, cán bộ kế hoạch, công nhân vận hành máy). Sự phân bố việc làm theo hình chữ U này thường phổ biến trong thị trường lao động ở các nền kinh tế phát triển (trong đó có Hoa Kỳ và Tây Âu) đang bị phân cực.
Nhìn chung, điều này cho thấy những thay đổi công nghệ sẽ có tác động khác nhau đối với người lao động. Mức độ người lao động được hay mất do tự động hóa phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và liệu rằng, người lao động là nhân tố bổ trợ hay thay thế cho robot và máy móc?
1.3. Công nghệ là nhân tố khởi tạo và chuyển đổi việc làm
Những tiến bộ về công nghệ có thể hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế (chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực sản xuất và dịch vụ) bằng cách thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các lĩnh vực và công việc hoặc đơn giản hóa công việc bằng cách giảm thiểu những nhiệm vụ phức tạp cho người lao động.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng cơ giới hóa là chìa khóa nâng cao năng suất lao động và đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp. Với hai phần ba lực lượng lao động tập trung ở khu vực nông thôn, số lượng việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp lớn, chiếm khoảng 40% tổng số việc làm năm 2017. Mặc dù mức tăng trưởng của ngành đã suy giảm trong những thập kỷ qua, vẫn có những tiềm năng lớn chưa được nắm bắt trong các hoạt động phi nông nghiệp và đa dạng hóa trong lĩnh vực phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn và tăng năng suất nhờ cơ giới hóa”. Ví dụ như sự mở rộng nông nghiệp điện tử có tiềm năng tăng sản lượng nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp và thúc đẩy phát triển nông thôn thông qua sự xuất hiện của “việc làm xanh”.
Trong lĩnh vực sản xuất, việc ứng dụng những tiến bộ công nghệ có tiềm năng dịch chuyển người lao động sang những công việc yêu cầu tay nghề cao hơn mang lại năng suất cao hơn Báo cáo của ILO “ASEAN in transformation: How technology is changing jobs and enterprises transformation” (tạm dịch: ASEAN trong quá trình chuyển đổi: Công nghệ đang thay đổi việc làm và các doanh nghiệp như thế nào) chỉ ra rằng, phần lớn việc làm trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là dệt may, quần áo và giày dép và ngành điện tử và các thiết bị ngành điện sẽ bị tác động bởi CMCN 4.0. Mặc dù công nghệ cao chưa hoàn toàn thâm nhập vào các ngành công nghiệp nhưng cũng đã có những dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của công nghệ cao trong một số ngành. Thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các công nghệ hỗ trợ đều đóng góp vào tăng trưởng năng suất. Trong các ngành công nghiệp đó, thay đổi đáng kể trong trung hạn đến dài hạn thường xảy ra do có sự đột phá về công nghệ, ví dụ như công nghiệp in 3D, robot công nghiệp, Internet vạn vật, thiết kế đồ họa trên máy tính và máy soi chiếu cơ thể… Theo đó, khả năng các lĩnh vực như kỹ sư, vận tải và hạ tầng sẽ có nhu cầu việc làm tăng lên.
Cách mạng số có tiềm năng chuyển dịch người lao động sang làm những công việc lấy khách hàng làm trung tâm trong lĩnh vực dịch vụ. Sự tiến bộ của công nghệ cũng dẫn đến sự ra đời của “nền kinh tế tạm thời”, trong đó, một số lượng lớn các công việc hoạt động trên các nền tảng trực tuyến đã ra đời (Uber, Grab, thương mại điện tử).
Cuối cùng, việc ứng dụng cải tiến công nghệ mới có thể cải thiện an toàn tại nơi làm việc, tăng năng suất, tiền lương và thúc đẩy nhiều loại nhu cầu, cùng với gia tăng dự kiến về luồng FDI và việc tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường xuất khẩu lớn bắt nguồn từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam, khi các hiệp định này được phê chuẩn. Năng suất và điều kiện làm việc được cải thiện có thể dẫn đến giảm giờ làm và tạo ra nhiều dịch vụ và sản phẩm giải trí hơn.
1.4. Bảo vệ người lao động, việc làm tử tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Công nghệ, về bản chất, không tốt cũng không xấu do công nghệ không thể tự động đảm nhận mọi chức năng, đòi hỏi vận dụng nhận định và sự khéo léo, trí tuệ sáng tạo và trí tuệ mang tính xã hội (Frey và Osborne 2013). Vì vậy, vẫn cần thiết phải hỗ trợ người lao động và bảo vệ họ trong quá trình thay đổi nhanh chóng này. Đặc biệt là vai trò quan trọng của nền kinh tế phi chính thức cùng với sự gia tăng của các hình thức việc làm tự do, không theo tiêu chuẩn đặt ra những quan ngại về việc bảo vệ người lao động và chất lượng của việc làm do quan hệ việc làm (người sử dụng lao động/người lao động) trở nên mờ nhạt hơn. “Cách mạng số phải được xây dựng trên cơ sở việc làm tử tế mang lại giá trị nhân phẩm” (Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO).
1.5. Làm thế nào để tận dụng tối đa cách mạng công nghiệp 4.0? Một số ví dụ
• Lĩnh vực nông nghiệp
Tiến bộ công nghệ được ứng dụng theo nhiều cách khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp ở các nền kinh tế phát triển, thông qua việc tăng cường sử dụng công nghệ và tự động hóa trong sản xuất nhằm tăng năng suất (đóng góp trực tiếp), hay thông qua việc sử dụng ICT (công nghệ thông tin truyền thông) như một công cụ hỗ trợ người nông dân đưa ra các quyết định (đóng góp gián tiếp). Một số ví dụ cụ thể của việc sử dụng ICT bao gồm: việc sử dụng các ứng dụng điện thoại di động trong nông nghiệp, ứng dụng hệ thống Thông tin Địa lý (GIS) trong canh tác và đánh bắt cá hay các công nghệ vệ tinh và khoa học nông nghiệp khác góp phần nâng cao đáng kể sản lượng nông nghiệp và ngư nghiệp.
Người tiêu dùng và người sản xuất ngày càng nhận thức và lưu tâm đến vấn đề sinh thái, thương mại công bằng và tầm quan trọng của các nông phẩm sinh học với những đặc điểm khác biệt so với các sản phẩm hóa học và sản xuất hàng loạt. Việc sử dụng ICT thúc đẩy những sản phẩm sinh học và hữu cơ này thường được sử dụng trong bán hàng và xúc tiến các sản phẩm có chất lượng đi kèm với hàng loạt các chiến lược khác như quy cách đóng góp, quy định kích cỡ hay định giá.
• Lĩnh vực công nghiệp
Việc ứng dụng công nghệ cao rất phổ biến trong các ngành công nghiệp. Ở các nền kinh tế công nghiệp hóa, công nghệ được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để thúc đẩy hiệu suất (cả chất lượng và số lượng) và tăng năng suất. Ví dụ như các nền kinh tế châu Á thành công như: Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia đã đạt được những thành tựu thần kỳ về kinh tế với những chính sách phát triển công nghiệp đặt trọng tâm chiến lược vào các lĩnh vực định hướng xuất khẩu cụ thể.
Dù trong điều kiện nào thì các chính sách về giáo dục và đào tạo cũng giúp cho lực lượng lao động sẵn sàng tham gia vào các ngành công nghiệp mục tiêu bằng cách hỗ trợ họ tiếp thu các kiến thức và công nghệ từ khắp nơi trên thế giới và chuyển hóa thành các sản phẩm mới và tinh tế hơn. Ví dụ như ở Singapore, tỷ lệ các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu đòi hỏi tay nghề cao và ứng dụng công nghệ chiếm gần 50% lực lượng lao động.
• Lĩnh vực dịch vụ
Việc sử dụng các thiết bị di động và mức độ tiếp cận Internet rộng rãi ngày càng gia tăng đã thay đổi về cơ bản thế giới việc làm. Sự xuất hiện của nền kinh tế tạm thời, nền tảng số, việc làm tự do và thương mại điện tử đã tạo ra những hình thức việc làm mới có thể được thực hiện từ xa (hay một phần được thực hiện từ xa). Chúng cũng góp phần đáng kể vào việc mở rộng thị trường ngoài phạm vi biên giới bằng cách kết nối con người với số lượng ngày càng gia tăng.
Phương pháp học trực tuyến ngày càng được sử dụng nhiều hơn để thúc đẩy phát triển kỹ năng trong suốt vòng đời của con người. Ví dụ như việc thực hiện các khóa học trực tuyến như MOOC (Massive Online Open Course) mở rộng cơ hội cho thanh niên học hỏi và chia sẻ kiến thức về nhiều chủ đề khác nhau với chi phí thấp nhất.