Công nghệ sản xuất và sản phẩm vật liệu xây không nung (VLXKN) đã hình thành và phát triển từ rất lâu, nhưng ở nhiều nước VLXKN bắt đầu phát triển mạnh mẽ vào những năm 60 của thế kỷ trước. Sự phát triển mạnh đến mức, ngày nay, người ta không còn bàn cãi đến việc thay thế gạch đất sét nung nữa. Điều mà các nhà nghiên cứu, các chuyên gia tư vấn quan tâm là nghiên cứu cải tiến công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thay thế.
Ở Việt Nam, đến thời điểm này gạch đất sét nung để xây tường đang chiếm khoảng 60%. Công nghệ sản xuất bằng lò đứng thủ công đã bị xóa bỏ hoàn toàn và chắc chắn không thể quay lại. Lò nung tuynel kiểu cũ để sản xuất gạch nung cũng đang giảm dần vì năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không cao, nguồn nguyên liệu sét dẻo đang cạn dần và việc siết chặt quản lý đất đai sẽ dẫn đến thời kỳ khai tử xu hướng sản xuất bằng công nghệ này. Nguồn sét dẻo chất lượng tốt được sử dụng, lựa chọn để sản xuất ngói lợp và các sản phẩm cao cấp khác có giá trị kinh tế hiệu quả hơn. Công nghệ sản xuất bằng lò vòng cải tiến cũng đòi hỏi nguyên liệu đầu vào là sét dẻo. Vì vậy sự tồn tại của công nghệ này cũng không thể lâu dài.
Sự tồn tại của công nghệ sản xuất gạch nung, xem ra chỉ còn lại là lò kích thước lớn, vòm phẳng, đùn gạch mộc bằng áp lực cao. Đây là công nghệ sản xuất chủ yếu dùng nguyên liệu đất bãi ven sông, đất đồi, không dùng sét dẻo. Công nghệ mới này có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, tự động hóa cao, tiêu tốn ít năng lượng trong nung đốt, sấy, giá thành sản phẩm thấp có khả năng cạnh tranh tốt. Tuy nhiên, trong thời gian mấy năm vận hành công nghệ mới cũng bộc lộ nhược điểm. Đó là các nhà đầu tư chỉ muốn “ăn xổi” đầu tư công nghệ với hệ thống thiết bị không đồng bộ, chất lượng thiết bị, xuất xứ thiết bị không đảm bảo (giá rẻ) nên quá trình vận hành bộc lộ quá nhiều nhược điểm, trục trặc. Đầu tư theo kiểu phong trào, tập trung ở các vùng ven sông, thiếu thị trường tiêu thụ, sản phẩm chủ yếu là gạch đặc, viên gạch kích thước bé.
Chính vì những sai lầm trong đầu tư nên tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết, tiêu diệt lẫn nhau, biến lợi thế thành bất lợi, làm ăn kém hiệu quả. Nguồn nguyên liệu sẽ cạn dần, thị trường tiêu thụ khó khăn. Nếu như thời gian qua việc sản xuất sử dụng VLXKN không gặp phải những trục trặc về công nghệ thì có thể nói công nghệ sản xuất gạch bằng đất bãi ven sông cũng khó tồn tại.
Việc sản xuất gạch nung bằng công nghệ mới sử dụng đất đồi là công nghệ gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các nhà đầu tư công nghệ này đều thất bại vì không lường hết được chi phí năng lượng, thiết bị cho công nghệ nghiền nguyên liệu. Độ dẻo của đất đồi quá kém cần phải nghiền mịn, đồng nhất, tốn nhiều điện năng, hao mòn thiết bị, vì vậy giá thành sản phẩm cao. Đất đồi, hầu hết là vùng xa nơi tiêu thụ, chi phí vận chuyển gạch cao kéo theo sự sụt giảm sức cạnh tranh. Hiện nay chỉ có một hai nhà đầu tư căn cơ, bài bản mới có thể trụ vững trên thị trường.
Qua thông tin sơ bộ có thể thấy con đường phát triển trở lại của gạch đất sét nung đã ngày càng nhỏ, hẹp. Tình thế đảo ngược của gạch đất sét nung là không thể.
Bài toán đặt ra cho lĩnh vực sản xuất VLXKN là kiên định con đường thay thế dần gạch đất sét nung bằng các giải pháp cụ thể. Nhà nước tiếp tục có cơ chế chính sách phù hợp về quản lý đất đai, đất nông nghiệp, có chế độ thuế phí hợp lý. Doanh nghiệp đầu tư sản xuất cần lựa chọn tối ưu hóa công nghệ để sản phẩm có chất lượng ngày càng cao, thân thiện hơn với môi trường, có các giải pháp vật liệu chống thấm, chống co nứt, đẩy mạnh công nghiệp hóa xây dựng, giảm thời gian thi công, tăng hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh. Mọi cố gắng của nhà nghiên cứu, tư vấn, đầu tư sản xuất vật liệu kích thước lớn, chiều dày mỏng, cách âm, cách nhiệt, tính chống thấm, chống co nứt tốt, bền cơ cao.
Trong số các công nghệ đã đầu tư chưa thực sự thành công có công nghệ sản xuất gạch AAC. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đối với các dây chuyền đã đầu tư, hiện tạm dừng sản xuất. Chủ đầu tư cần xem xét khôi phục lại sản xuất, trong đó tập trung đánh giá nguyên liệu sử dụng, chuyển mạnh sang sản xuất tấm AAC có lõi thép có kết cấu lắp ghép với nhau, chống co nứt. Cần nghiên cứu các giải pháp chống co tại các vết nối giữa các tấm, xây dựng quy trình kỹ thuật lắp dựng, ghép nối, sơn phủ. Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh để biến tấm ALC có lõi thép gia cường trở thành vật liệu chủ lực cho tường xây, đặc biệt là tường ngăn.
Tiếp tục phát triển công nghệ sản xuất tấm tường Acotec và các sản phẩm tương tự. Nghiên cứu phát triển công nghệ đúc trực tiếp tấm tường bê tông cốt thép. Đây là một giải pháp mới hứa hẹn phát triển tại các đô thị Việt Nam. Một cách tổng quát hướng phát triển lâu dài của tường nhà là sản xuất VLXKN tấm lớn.
Công nghệ sản xuất sử dụng VLXKN đã trở thành công nghệ chủ lực trong sản xuất vật liệu xây ở các nước trên thế giới và ở các nước Đông Nam Á. Trong xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, khi phá dỡ công trình tất cả các phế thải được tái sử dụng. Vì vậy, VLXKN đã trở thành vật liệu xây chủ lực, không ai còn nghi ngờ hoặc nghĩ đến phương án quay trở lại với công nghệ sản xuất đất sét nung. Ở các nước đó vật liệu nung từ đất sét được lựa chọn chủng loại sản phẩm, vật liệu cao cấp, hiệu quả kinh tế cao với các mục đích thẩm mỹ, trang trí.
Sản phẩm VLXKN của Việt Nam sẽ đồng hành cùng sự phát triển của chủng loại này trên thế giới và sẽ là sản phẩm có thị trường lớn nhất trong vật liệu xây.