Mùa mưa bão đang đến gần, để giảm thiệt hại từ nguy cơ gãy, đổ của hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão, TP. Hà Nội liên tục triển khai công tác kiểm tra, xử lý cắt tỉa hạ độ cao, chặt hạ cây nguy hiểm, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trên địa bàn Thành phố.
Thi công cắt tỉa cây trên đường Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Thùy Chi
Thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, khó lường, biểu hiện cụ thể qua 3-4 trận mưa đá xảy ra đầu năm hay, đợt rét bất thường cuối tháng 4, mang theo những nỗi lo khi mùa mưa bão đến gần. Đặc biệt, ở khu vực đô thị, hiện tượng đảo nhiệt khiến những trận lốc xoáy trở nên khó lường.
Để giảm thiểu thiệt hại do cây đổ, cành gãy trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho nhân dân, Sở Xây dựng Hà Nội đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng) đôn đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội (phụ trách 12 quận) và các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh phụ trách địa bàn 18 huyện, thị xã kiểm tra, rà soát khối lượng cây bóng mát có nguy cơ gãy, đổ.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện cắt tỉa, hạ độ cao cây bóng mát; thực hiện chằng chống, gia cố các cọc chống cho cây mới trồng, thay thế cọc bị hỏng, mục...
Theo Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, cây xanh bị gãy, đổ thường là cây bị sâu mục gốc, thân, cành; cây nặng tán lâu năm không được cắt sửa... Do vậy, để bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cây gãy, đổ, Ban thường xuyên phối hợp với các đơn vị duy tu hệ thống cây xanh thực hiện tuần tra, kiểm tra, xử lý các cây chết, cây nguy hiểm, cây có dấu hiệu bị xâm hại; thực hiện cắt tỉa theo kế hoạch (2 năm/lần/tuyến).
Đối với công tác sửa cây xanh, phòng, chống mưa bão, thực hiện yêu cầu của UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, ngay từ đầu năm, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã tăng cường điều tra, khảo sát sớm, đưa vào kế hoạch cắt tỉa, chặt hạ cây nguy hiểm, có nguy cơ gãy, đổ vào mùa mưa bão. Trong đó, ưu tiên thực hiện cắt sửa các cây có đường kính và chiều cao lớn, cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm. Đến nay, công ty đã cắt sửa gần 10.000 cây và dự kiến đến tháng 6/2020 sẽ hoàn thành cắt sửa 20.000 cây nguy hiểm, có nguy cơ gãy, đổ.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, các huyện, thị xã trên địa bàn cũng đã hoàn thành cắt tỉa gần 6.000 cây nguy hiểm, nặng tán. Ngoài ra, với những tuyến đường nhánh trong các khu đô thị tại các quận, công tác duy tu, cắt sửa cây xanh bảo đảm an toàn mùa mưa bão thuộc phân cấp quản lý cũng được các địa phương chủ động triển khai.
Bên cạnh việc đôn đốc các đơn vị triển khai cắt tỉa cây xanh trên các tuyến trọng điểm, Sở Xây dựng Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch ứng trực, sẵn sàng xử lý các sự cố đột xuất, giải tỏa cây gãy, đổ sau mưa bão, bảo đảm phân luồng giao thông, duy trì chiếu sáng công cộng, tổ chức kiểm tra, thay thế các cột, cần đèn chiếu sáng có nguy cơ gẫy đổ, các tuyến đường dây cáp đi nổi có khả năng chập cháy, cáp bị lão hóa.
Đồng thời, duy trì chiếu sáng công cộng chuẩn bị nhân lực sẵn sàng, kịp thời cắt điện vùng bị ngập lụt, nhanh chóng khôi phục hệ thống chiếu sáng công cộng sau bão lũ, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua lại trên các tuyến đường.