Ông Dục cho biết, hiện nay với lưu lượng mưa lớn, trong vòng 2 tiếng, ở 4 quận có 1 số điểm úng ngập như Cao Bá Quát, ngã 5 Bà Triệu… Tuy nhiên, với quy hoạch mới, đến năm 2014, với những trận mưa có cường độ 310ml trong 2 ngày, các quận nội thành sẽ không còn úng ngập.
Đến năm 2030, dự kiến tổng chi phí đầu tư cho hệ thống thoát nước là 116.417 tỷ đồng
Báo cáo sâu hơn về bản quy hoạch, đại diện Công ty cổ phần nước và môi trường VN (đơn vị tư vấn, lập quy hoạch) nói: Quy hoạch thoát nước đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 hiện đã lập đến bản cuối cùng, bao gồm Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.344,47km2 và phần mở rộng ngoài địa giới hành chính Hà Nội, thuộc các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên có cùng lưu vực sông. Phạm vi quy hoạch là đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 2 đô thị sinh thái, khu vực vùng ven đô thị; với tổng diện tích quy hoạch là 1.028,3 km; tổng dân số được phục vụ đến năm 2030 là khoảng 6,2 triệu người.
Theo dự thảo quy hoạch, giải pháp vùng tiêu thoát lũ là vùng tiêu Tả Đáy – sông Nhuệ, Hồng, Đáy; vùng Hữu Đáy, sông Tích, Đáy, Bùi (toàn bộ sông Tích, Đáy trong địa phận Hà Nội sẽ được cải tạo tăng công suất tiêu thoát lũ vào sông Đáy); Đối với vùng tiêu Bắc Hà Nội là sông Hồng, Đuống, Cà Lồ
Bên cạnh đó, điểm mới trong quy hoạch lần này xây dựng công nghệ xử lý bùn nước thải và thu gom; Đề xuất công nghệ tiên tiến năng lượng nhà kính và ép bùn cơ học.
Tổng mức chi phí đầu tư hệ thống thoát nước theo quy hoạch đến năm 2030, dự kiến là 116.417 tỷ đồng; trong đó phải sử dụng tối đa các loại nguồn vốn: ODA, BT, PPP, ngân sách TP, xã hội hóa. Việc phân kỳ đầu tư, dựa vào kế hoạch của Thành ủy, trọng điểm đầu tư cho từng khu vực và lõi của TP nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của TP như chống ngập úng, ô nhiễm môi trường, chống ngập cục bộ tại khu vực trung tâm. Phấn đấu đến 2020 xây dựng 2- 3 nhà máy xử lý nước thải. Với hệ thống thoát nước mưa, tập trung đầu tư vào khu vực trung tâm (dự án 2), xây dựng công trình thoát nước mưa khu vực Tả Nhuệ, chống ngập úng cục bộ khu vực trung tâm và đô thị vệ tinh…
Mặt khác, về quỹ đất để xây dựng hệ thống thoát nước dự kiến vào khoảng 4.056m2. Bản quy hoạch cũng nêu đề xuất với Trạm bơm Yên Sở giữ nguyên công suất 90m3/s; đảm bảo thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ… Đề xuất xây mới trạm bơm Cao Viên, công suất 22m3/s, thống nhất với Quy hoạch thủy lợi Hà Nội thay cho công suất 70m3/s trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Bổ sung trạm bơm Long Tửu – Đông Anh với công suất 100m3/s. Ngoài ra là khớp nối Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với hệ thống thu gom và xử lý nước thải: thay đổi vị trí trạm xử lý Phú Lương – Hà Đồn; Thay đổi trạm xử lý Sơn Tây; đề nghị bổ sung quy hoạch vị trí xây dựng các khu xử lý/tái chế bùn từ các trạm xử lý nước thải với diện tích khoảng 12ha và các khu chôn lấp, xử lý bùn phát sinh từ hoạt động quản lý nạo vét cống/kênh, hồ/sông với tổng diện tích khoảng 100ha.
Đáng chú ý, quy hoạch lần này đề xuất lộ trình tăng phí nước thải (hiện nay mới chỉ thu phí môi trường qua hóa đơn nước sạch). Theo đó dự kiến đến 2015, phí nước thải được thu là 1.501 đ/m3 và đến năm 2020 là 12.200đ/m3 và đến năm 2050 là 52.500 đ/m3.
Quy hoạch phải hướng tới mục tiêu xóa bỏ từng bước ngập úng ở trung tâm Thủ đô
Sau khi nghe báo cáo của đơn vị tư vấn đã có nhiều đại biểu chất vấn. Theo đó, ông Lê Văn Hoạt – Phó Chủ tịch HHDND TP hỏi: Nhân dân quan tâm, với quy hoạch này, với những trận mưa to, tần suất lớn, Hà Nội có bị ngập không? Trần Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ: Nếu xuất hiện mưa lịch sử như 2008, việc tiêu thoát sẽ khác đi vì đã có sông Tích, sông Cà Lồ. Tuy nhiên, ở khu vực Phú Xuyên, nếu mưa lớn, nước sẽ tiêu thoát đi đâu? Bản quy hoạch nên đưa ra các mức độ mưa, giải pháp xử lý úng ngập để có các mức đầu tư cụ thể.
Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo cũng trăn trở: Các vấn đề nóng của Thủ đô Hà Nội hiện nay là ùn tắc giao thông, môi trường và úng ngập. Quy hoạch thoát nước đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phải giải quyết triệt để vấn đề úng ngập; tránh việc “nắng mưa là việc của trời, quy hoạch chỉ là tạm thời thế thôi”.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cũng chia sẻ, nước ta đã có chương trình quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu. TP cần bám vào đó để xây dựng quy hoạch. Nước mưa và nước thải có quan hệ hữu cơ; trên địa bàn Hà Nội đang rất khó xử lý hệ thống mới và cũ; hòa trộn nước mưa, nước thải, nước sinh hoạt. Về lâu dài, tiêu chuẩn môi trường VN phải nâng lên cùng tiêu chuẩn thế giới, tách nước thải và nước mưa. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải có giải pháp về thu gom, đang có thực trạng, hệ thống thu gom quá tải, ùn ở các hồ, kênh mương, sông… phát thải ra môi trường; hồ, sông bị ô nhiễm. Do vậy phải có giải pháp để “tất cả các con sông đều chảy”, các hồ phải tính toán đảm bảo yêu cầu về điều hòa. Khi quy hoạch các đô thị mới phải có tỷ lệ hồ thích hợp; tránh việc xây dựng tắc nghẽn hết hồ, không có điểm tiêu thoát nước.
Trả lời các chất vấn trên, phía tư vấn trả lời, quy hoạch thoát nước mưa lần này đáp ứng chu kỳ mưa lặp lại trong 10 năm, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã đề ra. Việc thoát nước mưa đã tuân theo kịch bản biến đổi khí hậu VN, đến 2050, lượng nước mưa đã tăng lên 5%. Quy hoạch cũng đã tính đến việc tách hệ thống thoát nước mưa và nước thải; đáp ứng quy chuẩn xả vào môi trường VN; sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường của thế giới. Quy hoạch cũng đã đề cập đến việc xây dựng hệ thống thu gom nước thải sông, hồ, cống bao quanh hồ để hồ chỉ tiếp nhận nước mưa… Ngoài ra quy hoạch còn đề xuất giải pháp tiên tiến của thế giới là thoát nước bền vững, thân thiện với môi trường, áp dụng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng cho các đô thị xây dựng mới.
Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: Đây là đề án quy hoạch công phu, khoa học, bám sát Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chuyên ngành. Tuy nhiên, bản quy hoạch cần nêu rõ quan điểm, mục tiêu, phát triển ổn định bền vững từ các khâu thoát nước mưa, nước thải, đến thu gom, xử lý. Mục tiêu góp phần xóa bỏ từng bước ngập úng ở trung tâm Thủ đô; góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường đạt hiệu quả cao về kinh tế xã hội. Giải pháp cho đô thị lõi cần làm rõ trong quy hoạch, để khắc phục các trận mưa lưu lượng lớn; Cải tạo hệ thống sông, làm sống lại sông Tô Lịch, sông Đáy… Tổng vốn và phân kỳ đầu tư phải đưa ra các dự án ưu tiên. Ngân sách sẽ giải quyết một phần các công trình đầu tư, còn lại là huy động xã hội hóa.
Cuối cùng, Chủ tịch chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục điều chỉnh, hoàn chỉnh bản Quy hoạch thoát nước đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Theo Hà Nội Mới