Ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp
Từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất VLXD đang phải gồng mình đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhiều công trình xây dựng bị hoãn, giãn tiến độ nên gây tác động lớn đến nhu cầu tiêu thụ VLXD trên thị trường nội địa. Nguồn vốn vay hạn hẹp, lãi suất cao, sản phẩm ế ẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao... cũng là nguyên nhân khiến các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Cung - cầu VLXD bị xáo trộn, doanh nghiệp phải điều chỉnh sản lượng, giảm giá thành sản phẩm; nhiều doanh nghiệp đang đứng trước thực trạng không đủ vốn nên phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, hoạt động cầm chừng.
Trong bối cảnh khó khăn này, để đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh xác định phải bắt đầu từ việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Trên cơ sở đó, cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động khu vực công, một trong những hoạt động thường xuyên của tỉnh trong những năm qua là trực tiếp các đồng chí lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, để lắng nghe những kiến nghị, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Qua các cuộc tiếp xúc, tỉnh đã chủ động trong nắm bắt tình hình, thành lập nhiều đoàn công tác đến làm việc trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất VLXD, tập trung công tác hỗ trợ tiếp cận vốn, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm; điều chỉnh giá thuê đất; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung công tác cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy việc xử lý nhanh các thủ tục về đất đai, tín dụng, hải quan, thuế, đăng ký doanh nghiệp...
Đáng chú ý, để giải quyết vấn đề về hàng tồn kho cho các doanh nghiệp, tỉnh có kế hoạch sử dụng VLXD sản xuất tại địa phương đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện những chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng và VLXD, cùng các doanh nghiệp nghiên cứu phương án giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp; nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; rà soát, tiếp tục cho vay đối với các dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư.
Tiếp tục khẳng định niềm tin của doanh nghiệp, cùng với quy hoạch phát triển sản xuất VLXD tỉnh Quảng Ninh năm 2010 đến năm 2020, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm thực hiện mục tiêu là đến năm 2020 đáp ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất VLXD phát triển, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm và đáp ứng tối đa nhu cầu VLXD cho các công trình hạ tầng giao thông, đô thị, đặc biệt là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng công tác thăm dò chuẩn bị nguồn trữ lượng khoáng sản, tiếp tục duy trì và đầu tư khai thác các mỏ đáp ứng cho giai đoạn đến năm 2030. Cùng với đó, tỉnh đang từng bước lập Quy hoạch gốm, sứ tập trung kết hợp với trưng bày, triển lãm hội chợ phục vụ khách du lịch…
Doanh nghiệp chủ động vượt khó
Từ những năm trước, sản xuất VLXD đã được Quảng Ninh xác định là lĩnh vực có thế mạnh, giàu tiềm năng, cần được ưu tiên phát triển do có nguồn sét nguyên liệu chất lượng tốt, phân bố tương đối đồng đều ở khắp các vùng, điều kiện khai thác, vận chuyển thuận tiện theo hệ thống đường bộ và đường thuỷ. Với những lợi thế đó, công nghiệp sản xuất VLXD mà chủ yếu là gạch ngói nung, gạch ốp lát ở Quảng Ninh đã có bước phát triển nhanh như hiện nay. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, sản lượng xi măng toàn tỉnh đạt 1,251 triệu tấn; clinker đạt 2,333 triệu tấn; gạch nung đạt 502,2 triệu viên.
Tuy nhiên, do những tác động chủ quan và khách quan, những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất VLXD trên địa bàn, đặc biệt là sản xuất gạch ngói nung đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất gạch lát nền cao cấp tại Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà.
Để giải quyết khó khăn, mấu chốt vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ nội địa, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm đường “xuất ngoại” cho các sản phẩm.
Theo thống kê, các mặt hàng VLXD xuất khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: Clinker tăng 28,2%; gạch tăng 76%; xi măng tăng 330,7%. Chỉ tính riêng Công ty CP Xi măng Thăng Long, 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 16,173 triệu USD, tăng 169,2% so với cùng kỳ cho các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Indonesia, Singapore, Bangladesh...
Để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, phần lớn các doanh nghiệp đều phải thực hiện chính sách tiết giảm chi phí sản xuất, cân đối nguyên liệu đầu vào, không ngừng tìm kiếm thị trường, cân nhắc mở rộng hoạt động sản xuất, huy động vốn đầu tư. Các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định uy tín trên thương trường.
Các đơn vị như Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà, Công ty CP Gốm Việt, Công ty Gốm xây dựng Hạ Long... không chỉ sản xuất ra các loại gạch nung thông thường mà còn sản xuất các sản phẩm gốm mỏng cao cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng. Các sản phẩm như gạch men tách, gạch ốp tường, gạch lá dừa, gạch ốp màu, ngói giả cổ... với nhiều kích cỡ khác nhau và sản xuất trên công nghệ tiên tiến.
Nhờ những chính sách hỗ trợ của tỉnh, cộng với sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất VLXD tại Quảng Ninh đang có thêm nhiều động lực để có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo Báo Xây dựng điện tử