Đô thị Vĩnh Phúc: Chú trọng đầu tư xây dựng khung hạ tầng chính

Thứ ba, 20/12/2011 14:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng tại lễ công bố Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (QHC đô thị Vĩnh Phúc) tổ chức ngày 15/12.

Đô thị phát triển đồng tâm

Trước đó, ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án QHC đô thị Vĩnh Phúc. Theo đó, đô thị Vĩnh Phúc bao gồm TP Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, một phần các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 31.860ha. Đô thị Vĩnh Phúc là trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc với các ngành chủ đạo là công nghiệp, dịch vụ, đào tạo - khoa học và du lịch - nghỉ dưỡng. Đô thị Vĩnh Phúc cũng là một trong những trung tâm kinh tế lớn, trung tâm văn hóa, đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cả nước và quốc tế.

Dự báo quy mô dân số đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2020 đạt khoảng 660 nghìn người, diện tích đất xây dựng đô thị là 19.330ha, đến năm 2030, dân số đạt khoảng 1 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị là 31.860ha.

Cũng theo quy hoạch, hướng phát triển đô thị Vĩnh Phúc là gắn kết với vùng Thủ đô Hà Nội, lấy TP Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên làm trung tâm, từ đó mở rộng phạm vi đô thị hóa ra các vùng lân cận.

Đô thị Vĩnh Phúc sẽ được xây dựng thành đô thị tập trung, đa cực, kết nối với các khu chức năng dựa trên hệ thống giao thông công cộng hiện đại và đồng bộ. Đô thị này sẽ phát triển đồng tâm, tạo vành đai xanh ven đô và các hành lang xanh cách ly môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái. Trục không gian Bắc - Nam với chức năng là trục giao thông, kiến trúc cảnh quan, thoát nước gắn kết với các di tích văn hóa lịch sử và các công trình phục vụ quan trọng sẽ được hình thành.

Khẩn trương xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong việc phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu lập đồ án QH. Bộ trưởng cũng đánh giá cao tư vấn Nikken Sekkei (Nhật Bản) và các chuyên gia, các hội nghề nghiệp đã giúp đồ án QHC đô thị Vĩnh Phúc có chất lượng tốt, tiêu chuẩn cao.

Bộ trưởng đề nghị: Việc đồ án được phê duyệt có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Vĩnh Phúc tuy nhiên, để đồ án đi vào cuộc sống, còn rất nhiều việc phải làm, tỉnh Vĩnh Phúc cần quan tâm, tập trung vào một số công việc. Thứ nhất, UBND tỉnh cần khẩn trương phổ biến QH sâu rộng đến các ngành, các cấp, nhân dân, tạo sự đồng thuận cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện tốt QH. Thứ hai, Vĩnh Phúc tiếp tục khẩn trương triển khai lập các QH phân khu, QH chi tiết cụ thể hóa QHC, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư. Thứ ba, Vĩnh Phúc phải quản lý tốt công tác xây dựng theo QH. Thứ tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo soạn thảo và ban hành quy định quản lý QHC đô thị Vĩnh Phúc, quy chế quản lý QH, kiến trúc toàn đô thị… Thứ năm, Vĩnh Phúc cùng với các ban ngành tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách phát triển đô thị, nhất là cơ chế huy động các nguồn lực để phát triển đô thị. Thứ sáu, Vĩnh Phúc với tư cách là địa phương thuộc vùng Thủ đô cùng với Hà Nội và các địa phương trong vùng thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ xem xét điều chỉnh QH vùng thủ đô trong thời gian tới.

Về phía Bộ Xây dựng, Bộ trưởng cho biết: Vĩnh Phúc là đô thị đầu tiên thực hiện QH theo cách làm này. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục giúp đỡ và hướng dẫn Vĩnh Phúc triển khai QH phân khu và QH chi tiết cũng như kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.

Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp, trợ giúp UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong việc triển khai QH ở giai đoạn tiếp theo, trong việc thu hút các nguồn lực phát triển đô thị... để Vĩnh Phúc không chỉ là đô thị đối trọng của Thủ đô mà góp phần giảm tải cho Hà Nội về dân số và hạ tầng…

Về phía tỉnh Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Vọng cũng chỉ đạo chính quyền các cấp, ban ngành tập trung triển khai các nội dung công việc nói trên. Bên cạnh đó, Bí thư còn yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo lập kế hoạch đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và quản lý đầu tư xây dựng. Trước mắt UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu đề xuất đầu tư xây dựng khung hạ tầng chính, một số trục giao thông hiện đại huyết mạch của tỉnh. Bí thư cũng giao sở Xây dựng chủ trì, mời các đơn vị tư vấn uy tín trong và ngoài nước lập QH phân khu, kịp thời tham mưu cho tỉnh trong quá trình quản lý và phát triển đô thị, bảo đảm đô thị Vĩnh Phúc phát triển hiệu quả và bền vững.

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng đã trao hồ sơ QHC đô thị Vĩnh Phúc cho chủ tịch UBND 7 thành, huyện trong tỉnh để tiếp tục phổ biến tuyên truyền sâu rộng quy hoạch cho các cấp và nhân dân để thực hiện triển khai.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng: Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển bền vững của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lý trong việc quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và phát huy mạnh mẽ, có hiệu quả hơn nữa mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao điều kiện sống của nhân dân về nhà ở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường sống và không gian đô thị.


Theo Báo Xây dựng điện tử
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)