Phát triển đô thị xanh là nhu cầu bức thiết trong cuộc sống đô thị, phản ánh mức độ phát triển của đô thị nói chung và chất lượng cuộc sống nói riêng. Ngoài ra, cây xanh, công viên đô thị có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, là lá phổi xanh của cư dân đô thị.
TP Đông Hà với việc thiếu quy hoạch đồng bộ giữa chiếu sáng, cây xanh, công viên và các công trình hạ tầng đô thị khác đã dẫn đến tình trạng xây dựng chồng chéo, lộn xộn, không thỏa mãn các yêu cầu chung về kỹ thuật, an toàn, mỹ quan đô thị.
Đầu tư cho hệ thống chiếu sáng và cây xanh, công viên đô thị chưa được quan tâm đúng mức so với sự phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa. Quá trình phát triển chưa lâu, sẽ tạo nên những thách thức lớn cho nhà quản lý đối với một thành phố trẻ nên rất cần quy hoạch tổng thể phù hợp với quá trình phát triển phù hợp chung của thời đại. Đồng thời tạo hấp lực nắm bắt xu hướng chung trong quy hoạch đô thị từ những thành phố hình thành trước ở trong khu vực và trên toàn quốc.
Công trình chiếu sáng đô thị xanh phải theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Từng bước hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng chiếu sáng đô thị. Đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng mới, tái tạo trong chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tạo dựng hình ảnh đô thị có bản sắc, văn minh hiện đại.
TP Đông Hà có tổng diện tích cây xanh đô thị khoảng 22,37ha đất cây xanh, mật độ cây xanh 2,68m2/người. Toàn thành phố hiện có khoảng 165 tuyến đường giao thông chính, trong đó tổng số đường giao thông được trồng cây xanh có quy hoạch chỉ khoảng 37 tuyến với chiều dài 45km.
Do đó, cần nâng cao hiệu quả và thống nhất quản lý cây xanh, công viên đô thị phục vụ lợi ích cộng đồng. Phát triển cây xanh, công viên đô thị đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật góp phần tạo mỹ quan đô thị, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Trong quy hoạch chung TP Đông Hà đến năm 2020 có nhiều công viên cây xanh như công viên Lê Duẩn, công viên Nguyễn Huệ, công viên hồ Khe Sắm, hồ Khe Mây, hồ Trung Chỉ… Tuy nhiên, đến nay chỉ có công viên Lê Duẩn được đầu tư hoàn chỉnh.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết: Để phát triển đô thị xanh vấn đề đặt ra cần sớm thực hiện là các chương trình dự án ưu tiên giai đoạn 1 đến năm 2020.
Đó là ưu tiên phát triển các công viên Nguyễn Huệ, công viên Cọ Dầu, Lâm viên sinh thái hồ Khe Mây, công viên dọc 2 bờ sông Hiếu tạo trục cảnh quan cho thành phố.
Đầu tư xây dựng các vườn hoa, vườn dạo các khu dân cư. Triển khai trồng cây cách ly tuyến đường sắt (đoạn qua đô thị) và khu công nghiệp Nam Đông Hà.
Hoàn thiện cây xanh trên các tuyến phố hiện có và tuyến mới, đầu tư cây xanh ấn tượng tại các trục phố chính (Hùng Vương, Đường 9, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ (9D), Trần Bình Trọng)…
Tình trạng phân bố mảng xanh không đều trên các tuyến phố ở Đông Hà nên dần được cải thiện. Lựa chọn cây trồng chủ đạo, đặc trưng phù hợp với điều kiện địa chất, khí hậu tại địa phương.
Để tạo mảng xanh đạt hiệu quả và đồng đều ở đô thị cần gắn kết với những chương trình chỉnh trang đô thị như: mở rộng đường sá, nâng cấp vỉa hè, di dời các cơ sở công nghiệp, TTCN… để trồng cây xanh.
Tận dụng tối đa diện tích và không gian đô thị để phát triển thêm diện tích mảng xanh công cộng. Tiếp tục trồng mới cây xanh trên các tuyến đường chưa có cây xanh. Thực hiện trồng mới cây xanh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên vỉa hè khi xây dựng đường giao thông. Trong các dự án phát triển hệ thống giao thông bắt buộc phải đưa vào hạng mục trồng cây xanh đô thị.
Triển khai xây dựng các công viên mới theo quy hoạch đã duyệt đối với các khu vực đang có điều kiện thuận lợi về mặt bằng. Việc cần làm đầu tiên là lập dự án đền bù giải phóng mặt bằng, trồng cây xanh tạo quỹ đất. Khi có vốn sẽ tiếp tục đầu tư từng bước xây dựng công viên hoàn chỉnh.
Nâng cao ý thức cộng đồng tham gia công tác bảo vệ phát triển hệ thống công viên cây xanh đô thị thông qua các hoạt động giáo dục, tuyên truyền vận động toàn xã hội tham gia.
Mặt khác, xử lý nghiêm mọi hành vi xâm hại đến hệ thống công viên xanh đô thị. Cùng với đó cần ban hành Quy định quản lý hệ thống cây xanh công cộng đối với mỗi đô thị phù hợp với Nghị định số 64/2010/NĐ – CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, trong đó phân cấp về công tác quản lý hệ thống cây xanh đô thị cho cấp chính quyền địa phương để thuận tiện cho việc quản lý, giám sát.
Huy động các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm đóng góp kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường có thể xây dựng thành quỹ riêng, vận động các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân khác và ngoài nước…
Với những yêu cầu bức thiết của thời đại và vấn đề đang đặt ra trong quá trình xây dựng đô thị xanh, mong rằng TP Đông Hà sẽ sớm có diện mạo mới cho đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp. Xây dựng TP Đông Hà xứng tầm là một đô thị động lực trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.
Theo Báo Xây dựng điện tử