Đó là yêu cầu của bà Hồ Thị Kim Loan, Chánh thanh tra xây dựng (TTXD) Sở Xây dựng TPHCM với TTXD quận-huyện, phường xã tại buổi họp giao ban về TTXD với các quận-huyện ngày 20-11. Bà Loan cho rằng, TTXD quận-huyện cần phải kiểm tra và kiên quyết xử lý các vụ vi phạm sau ngày 1-5-2009 (ngày Nghị định 23 về xử lý vi phạm trong xây dựng có hiệu lực), không tha bất cứ trường hợp nào.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng, tính đến thời điểm hiện nay, có một số địa phương giảm vi phạm xây dựng (VPXD) trên 80% so với năm 2008 như xã Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh, nhưng cũng có nhiều quận-huyện chỉ giảm vài phần trăm. Trong đó có xã Vĩnh Lộc A, xã Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh vi phạm xây dựng tăng 80% so với năm ngoái, nhưng theo Chánh TTXD huyện Bình Chánh Huỳnh Văn Hải, đa số vi phạm xây dựng trên địa bàn hai xã này là nhà lá, nhà thô sơ với diện tích nhỏ chứ không phải nhà xây bằng gạch kiên cố như vi phạm xây dựng trong năm 2008.
Nhiều quận huyện cho biết, Thông tư 24 (hướng dẫn thi hành NĐ 23) đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm xây dựng. Tuy nhiên, Điều 15 thông tư này chỉ quy định các trường hợp xây dựng sai phép trước ngày 1-5-2009 không ảnh hưởng đến công trình lân cận được phép tồn tại và chỉ khi thực hiện quy hoạch thì chủ đầu tư mới phải phá dỡ phần xây dựng sai phép. Còn các trường hợp xây dựng không phép có được tồn tại hay không, xây dựng trên loại đất nào mới được tồn tại nên các quận-huyện cho biết không biết phải xử lý ra sao.
Ngoài ra, Thông tư 24 và Nghị định 88 về hướng dẫn cấp giấy chủ quyền nhà-đất quy định hai thời điểm khác nhau: Thông tư 24 áp dụng xử lý cho công trình trái phép trước ngày 1-5-2009, trong khi Nghị định 88 lại giới hạn chỉ trước ngày 1-7-2006 nên các quận, huyện không biết phải áp dụng theo văn bản nào khi cấp giấy chứng nhận cho nhà xây dựng trái phép…
Qua những vướng mắc mà các quận-huyện nêu, Chánh TTXD Sở Xây dựng Hồ Thị Kim Loan cho biết, do thông tư không quy định Sở Xây dựng phải có hướng dẫn nên sở sẽ không có văn bản hướng dẫn cụ thể từng trường hợp. Tuy nhiên, theo bà Loan, thông tư đã quy định “mở” đó là giao cho UBND các quận – huyện xem xét để xử lý từng trường hợp cụ thể để giải quyết theo thẩm quyền. Nếu các quận-huyện gặp khó khăn thì có thể trao đổi hoặc mang hồ sơ lên để TTXD sở hỗ trợ, xử lý. Đối với các trường hợp vượt thẩm quyền thì sở sẽ tập hợp lại để xin ý kiến của UBNDTP và Bộ Xây dựng để xin hướng giải quyết.
Theo Sài gòn Giải phòng Online