Theo đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng 18 cầu dành cho người đi bộ tại các tuyến phố: Chùa Bộc, Láng Hạ, Giảng Võ, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Trần Khát Chân, Giải Phóng, Thái Hà, Ngọc Hồi.
Dự án sẽ xây dựng hạng mục cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức giao thông như: sơn kẻ mặt đường, lắp đặt các biển báo giao thông chỉ dẫn cho khách bộ hành, dải phân cách chuyển hướng giao thông; Xây dựng cầu kết cấu hệ dầm thép liên kết với nhau bằng các thanh giằng hoặc bản nối với bề rộng 3m, có 2 loại mái che và không mái che; Cầu có kết cấu trụ bê tông côt thép, cầu thang lên xuống bằng thép.
Để thực hiện dự án, BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư là Công ty CP tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ giao thông; Đơn vị tư vấn thiết kế và giám sát thi công là Viện cầu và kết cấu Nhật Bản – JBSI; Nhà thầu thi công gói thầu số 1: Liên danh nhà thầu Tổng công ty Lắp máy VN (LILAMA) – Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Công trình giao thông Hà Nội; Nhà thầu thi công gói thầu số 2 là Tổng công ty cơ khí xây dựng COMA.
Trong sáng nay lễ khởi công diễn ra tại vị trí xây dựng cầu số 4, gần ngã tư Giảng Võ – La Thành.
Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (MPMU) cho biết: Dự án tăng cường an toàn giao thông (hợp phần Hà Nội) sử dụng vốn dư của Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội, giai đoạn 1 để thực hiện. Đó là dự án được triển khai bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chức thức ODA của Chính phủ Nhật Bản. Dự án tăng cường an toàn giao thông được UBND TP Hà Nội phê duyệt tổng mức đầu tư là 234 tỷ đồng; trong đó vốn ODA là 200 tỷ đồng và vốn đối ứng là 34 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là tăng cường an toàn trên các tuyến phố xây dựng cầu, hạn chế tai nạn giao thông của người đi bộ, cải thiện giao thông dọc những tuyến đường chính trong hệ thống trục đường đô thị Hà Nội, cải thiện môi trường sống của dân cư. Việc thực hiện Dự án tăng cường an toàn giao thông được triển khai trên cơ sở của dự án do JICA hỗ trợ nghiên cứu: “Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP)”.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Motonori Tsuno - Trưởng đại diện của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam nói: “Cách đây 10 năm, JICA đã hỗ trợ vốn vay ODA cho dự án phát triển cơ sở hạ tầng tầng giao thông đô thị TP. Hà Nội. Cho đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ cải tạo các nút giao thông quan trọng thường xuyên xảy ra ùn tắc để trở thành các nút giao thông khác mức như: nút giao thông Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng và với việc mở rộng các tuyến đường và khánh thành hầm đường bộ Kim Liên, các hạng mục trong khuôn khổ dự án đã cơ bản được hoàn thành”.
“Bên cạnh đó JICA đã thực hiện các Dự án hợp tác kỹ thuật cho việc tăng cường an toàn giao thông của TP Hà Nội trong đó có hợp tác huấn luyện cảnh sát giao thông về cách thức điều khiển giao thông cải thiện phân làn xe, hệ thống đèn tín hiệu, trao đổi các kinh nghiệm tiên tiến của Nhật Bản. Dựa trên kết quả và thực tiễn của dự án phát triển đô thị bằng vốn vay việc dự án hợp tác kỹ thuật chúng tôi đã lập kế hoạch xây dựng cầu vượt cho người đi bộ nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ khi số lượng phương tiện giao thông đang ngày càng tăng. Dự án sẽ được thực hiện bằng nguồn kinh phí còn dư lại trong dự án vốn vay ODA và mong muốn nguồn vốn được sử dụng hiệu quả. Công trình dự kiến hoàn thành trong năm tới góp phần cải thiện an toàn giao thông thành phố Hà Nội, chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội” - ông Motonori Tsuno nói thêm.
Tại buổi lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án và các nhà thầu phải khẩn trương tập trung máy móc, phương tiện bắt tay ngay vào thi công, phấn đấu hoàn thành toàn bộ 18 cây cầu trước tháng 10/2010. Các Sở, ban ngành, quận huyện hợp tác chặt chẽ với chủ đầu tư và nhà thầu trong công tác di chuyển công trình trong phạm vi dự án và đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công. Việc xây dựng 18 cây cầu cho người đi bộ sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người đi bộ và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Có thể thấy với việc Hà Nội khởi công xây dựng 18 cầu bộ hành trên, khi hoàn thành sẽ đồng bộ với các dự án thành phần thuộc dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, giai đoạn 1, bao gồm: Nút giao thông Ngã Tư Sở, Nút giao thông Ngã Tư Vọng, Nút giao thông Kim Lên; Nút Nam cầu Thăng Long, đường trên đê Hữu Hồng, đường vành đai 1 – đoạn Kim Liên – Ô Chợ Dừa; góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh hiện đại và đặc biệt là chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Theo Hà Nội Mới