Bước phát triển mới của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung

Thứ tư, 05/02/2020 11:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền trung gồm năm tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Diện tích tự nhiên toàn vùng 28.114 km2, bằng 8,5% diện tích cả nước, trải dài gần 600 km bờ biển, địa hình đa dạng, diện tích lãnh hải lớn. Vùng KTTĐ miền trung đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước. 

Một góc TP Đà Nẵng, trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Tăng cường thu hút đầu tư

Sau bốn năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có nhiều thành công trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Năm 2019, Quảng Ngãi cấp phép đầu tư 35 dự án, trong đó có ba dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 13.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới khoảng 7.500 lao động. Nhiều dự án được triển khai, như Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát với tổng vốn đầu tư 52 nghìn tỷ đồng. Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi chính thức khởi công với quy mô 1.026 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn đầu khoảng 11 nghìn tỷ đồng. Đây là minh chứng cho nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng chí Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định: Chúng tôi luôn tạo điều kiện đón nhận các nhà đầu tư, hỗ trợ cao nhất về thủ tục, quy trình. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu phải thường xuyên đổi mới, sáng tạo, xây dựng Quảng Ngãi trở thành nơi đến thân thiện, an toàn và thành công cho các nhà đầu tư.

Tại Quảng Nam, sau 16 năm đầu tư và phát triển, Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô-tô Chu Lai - Trường Hải (Thaco Chu Lai) trở thành tổ hợp kinh tế với 35 đơn vị thành viên, tổng vốn đầu tư hơn 80,5 nghìn tỷ đồng. Tại Đà Nẵng, hàng loạt dự án về du lịch đẳng cấp quốc tế hình thành và phát triển, đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế. Trong đó, Khu nghỉ dưỡng InterContinental Đà Nẵng nhiều năm được vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”, cùng nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế khác. Toàn vùng KTTĐ miền trung hiện có 19 khu công nghiệp (KCN), chiếm 5,8% số KCN cả nước, trong đó có năm KCN trọng điểm là Khu công nghệ thông tin và công nghệ cao Đà Nẵng, Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu kinh tế Dung Quất, Chân Mây và Nhơn Hội, là những điểm mang tính đột phá, hạt nhân làm động lực phát triển cho vùng, đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng. Bên cạnh đó, vai trò chuỗi đô thị động lực ven biển từ Huế - Chân Mây - Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ - Vạn Tường - Quảng Ngãi - Quy Nhơn, tạo nên diện mạo mới, một không gian kinh tế ven biển năng động của khu vực miền trung. Vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, với biển cả mênh mông gắn với khu dự trữ sinh quyển thế giới, các khu bảo tồn thiên nhiên còn hoang sơ, làm cảnh quan nơi đây trở nên kỳ thú, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng. Các di sản văn hóa thế giới như Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn... tạo điều kiện liên kết, phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng, tạo tính lan tỏa trong thu hút du lịch của toàn vùng miền trung.

Kỳ vọng phát triển nhanh và bền vững

Phân tích về những khó khăn và thuận lợi đối với sự phát triển nhanh và bền vững của vùng KTTĐ miền trung, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, cho rằng: So với hai vùng KTTĐ còn lại, vùng miền trung yếu kém hơn về mặt hạ tầng và nhân lực nhưng lại có tiềm năng lớn về cảng biển trung chuyển lớn và phát triển du lịch nghỉ dưỡng, có nhiều di sản thế giới. Khu vực này cũng có tiềm năng về phát triển công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải. Với chi phí đầu tư thấp hơn so với hai đầu đất nước, vùng KTTĐ miền trung đang tạo sức bật, trở thành điểm sáng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. TP Đà Nẵng trong 20 năm qua đã có sự bứt phá mạnh mẽ về tốc độ đô thị hóa và du lịch đẳng cấp cao. Các địa phương khác như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định cũng có những bước phát triển nhảy vọt, biến bất lợi thành lợi thế. Vùng bờ biển dài, chủ yếu là đồi cát bạc màu, nhiều nắng gió, trở thành các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Sông suối, độ dốc lớn trở thành nơi phát triển hệ thống thủy điện bậc thang hiệu quả. Số giờ nắng, bức xạ cao là điều kiện phát triển nguồn năng lượng mặt trời. Bờ biển dốc với nhiều dãy núi đâm ngang tạo thành các cảng biển nước sâu…

Tuy nhiên, sự phát triển của vùng KTTĐ miền trung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng. Trưởng nhóm tư vấn phát triển kinh tế vùng KTTĐ miền trung, TS Trần Du Lịch, cho rằng: Vấn đề cốt lõi vẫn là thiếu cơ chế phối hợp phát triển kinh tế hiệu quả trong liên kết giữa các địa phương. Sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, phương thức sản xuất khi chưa có sự phối hợp, lại trở thành lực cản lớn trước tư duy cục bộ địa phương. Nguồn lực Trung ương cần tập trung đầu tư kết nối hạ tầng, mà trước hết là đường ven biển từ Thừa Thiên Huế vào Bình Định, kích thích sự phát triển của chuỗi đô thị ven biển, làm thay đổi bộ mặt của toàn vùng. Phát triển miền trung phải gắn với Tây Nguyên thông qua các tuyến quốc lộ đông - tây. Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam cho rằng, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ miền trung cần tích cực phối hợp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng. Mỗi địa phương cũng cần điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tính chất vùng, trong đó chú trọng tính liên kết và kết nối, tập trung xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách; lập kế hoạch mở rộng, phát triển các sân bay; ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng…

Với vai trò là hạt nhân tăng trưởng, trung tâm vùng, TP Đà Nẵng đang được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh hơn, trở thành động lực tăng trưởng cho toàn vùng. Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ: Phát triển TP Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt mức cao là nhiệm vụ trung tâm; tập trung phát triển ba trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội. Với sự quan tâm lớn của Trung ương, nỗ lực mạnh mẽ của địa phương, tin tưởng rằng, thời gian tới những lợi thế của Đà Nẵng sẽ được phát huy, đưa thành phố bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, nhanh và bền vững hơn, cùng vùng KTTĐ miền trung vươn lên cùng cả nước.


Theo Nhân dân điện tử 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)