Sau khi nghe tường trình của Tổng giám đốc Cty CP Sông Đà 7 Nguyễn Sỹ Cát, HĐQT đã quyết định xin phép các cấp có thẩm quyền để đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện tại Yantann Siên với công suất 19,5MW cùng nguồn vốn đầu tư là 406 tỷ đồng trên diện tích 128ha do UBND tỉnh Lâm Đồng duyệt cấp.
Đã có khá nhiều khó khăn trở ngại trong bước đầu lập dự án khả thi như: Điều kiện vận chuyển thiết bị, vật tư xa xôi, hiểm trở trên 60km đường giao thông đến công trình còn chật hẹp, lồi lõm, hỏng nát, lầy lội, theo đó là địa hình, địa chất trên mặt bằng công trình còn nhiều điều phải bàn tính sao cho thuận lợi, hợp lý khi lập phương án thiết kế để phù hợp… Dù vậy, cuối năm 2008 Sông Đà 7 đã ủy quyền cho Cty CP Thủy điện Cao nguyên Sông Đà tổ chức động thổ, khởi công xây dựng công trình.
Tôi đến Lạc Dương khi cơn bão số 11 vừa đi qua chưa đầy 1 tuần lễ. Thật may mắn vì khung trời Đà Lạt lúc này hửng nắng, trời trong xanh, không la đà vương vấn một sợi mây mù. Vốn có kinh nghiệm nghề nghiệp nhiều năm khi đi tác nghiệp ở những vùng núi xa xôi hoặc nơi gần biển vì gặp mưa, lũ bất thường, tôi đề nghị giám đốc dự án bố trí cho vào công trình Yantann Siên ngay từ buổi trưa khi trời đang nắng ráo. Giám đốc Nguyễn Ngọc Canh cũng không xa lạ gì với những hoàn cảnh mưa nắng thất thường của ông trời - anh đã từng thi công Yaly, làm việc ở thủy điện Tuyên Quang và mấy năm liền ở Tây Bắc cùng sống chung với mưa nguồn gió bụi trên công trường thủy điện Sơn La - nhưng với Yantann Siên thì địa bàn còn khó khăn hơn, thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều so với những nơi anh đã từng qua. Hơn 30 cây số của tỉnh lộ 722 từ Đà Lạt qua suối Vàng xe cứ bon bon chạy thông suốt êm ro, khi đến địa phận huyện Lạc Dương thì bắt đầu cuộc hành trình lồi lõm, lắc giật. Nhưng vẫn chưa ghê sợ bằng 10 cây số từ đoạn Lán Tranh vào công trình. Đây là đoạn sạt lở, bùn đất, lầy lội nghiêm trọng do mặt đường thường xuyên bị các phương tiện chuyên dùng của lâm nghiệp vận chuyển gỗ rừng ra vào cày xới. Đến đây mới hiểu vì sao Cty phải kén tài xế có kinh nghiệm và tay nghề cao và vì sao Giám đốc Nguyễn Ngọc Canh phải chờ gọi xe 2 cầu mới cùng tôi vào công trình.
Thợ Sông Đà trên cao nguyên Lâm Đồng.
Thời điểm này đã hơn 10 tháng sau ngày khởi công, Yantann Siên mới đang hình thành toàn bộ khu vực đầu mối. Nghĩa là có mặt bằng, đã làm xong 8km đường vận hành nội bộ, đã đổ xong phần bê tông đập chuyển nước, đã làm tường phân dòng và xây dựng khu phụ trợ. Tôi hơi bất ngờ khi gặp lại kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Dần (phó Giám đốc) và Tạ Đăng Khoa (Trưởng phòng kỹ thuật) ở đây bởi mấy năm trước tôi đã từng được các anh đưa đi thực tế tác nghiệp ở những hạng mục do Sông Đà 7 thi công tại công trình thủy điện Tuyên Quang. Vẫn hoạt bát, tươi trẻ, nhanh nhẹn, Phó giám đốc Dần dẫn tôi lên mỏm đá cao giới thiệu khái quát hình thù công trường. Thì ra nơi đặt các tổ máy và con đập chính còn nằm cách xa tuyến đầu mối này khoảng gần chục cây số nữa. Theo Nguyễn Ngọc Canh thì hiện đang có 1 nhà thầu phát tuyến thi công đường vào công trình chính, theo đó 1 đơn vị thầu khác sẽ thi công xây dựng 1 tuyến kênh nổi bằng bê tông cốt thép dài 8km dẫn nguồn nước từ suối Đăk Huer đổ chung vào hồ Yantann Siên tăng cường thủy năng cho máy phát điện. Công việc trên trước mắt rất cấp thiết nhằm đưa thiết bị vật liệu vào công trường là phải tự bỏ vốn, thuê nhà thầu nâng cấp, sửa chữa 6km đường giao thông trên tỉnh lộ 722 địa phận xã Đưng - Knớ (làm theo đề nghị của UBND tỉnh) cùng chung tay hỗ trợ để giao thông thông suốt, cũng đồng thời là tuyến giao thông trực tiếp phục vụ công trình. Rất mừng là chủ dự án Yantann Siên đã tìm được Phạm Văn Chiển, Giám đốc Cty Mạnh Cường - một nhà thầu chuyên nghề làm đường giao thông từ đường Mường Tè (Lai Châu), đường cửa khẩu Pắc Ma - Pà Tần đến quốc lộ Quảng Ninh - Bắc Cạn - Tuyên Quang - Ninh Thuận… Hy vọng đoạn giao thông khó khăn trở ngại này sẽ được thông tuyến vào dịp cuối năm, bởi nhà thầu đã điều động nhiều xe máy thiết bị chuyên dùng để phục vụ thi công.
Ngày 14/5/2009, tại TP Đà Lạt, Cty CP Thủy điện Cao nguyên Sông Đà đã được vay 286 tỷ đồng vốn (của Ngân hàng Đầu tư Phát triển chi nhánh Lâm Đồng 200 tỷ và của Cty CP Tài chính dầu khí 86 tỷ). Đây là nguồn động lực thúc đẩy quan trọng đến tiến trình xây dựng và tinh thần trách nhiệm đối với Cty CP Thủy điện Cao nguyên nhằm hoàn thành đúng tiến độ đưa nhà máy vào hoạt động. Đến dự và chứng kiến lễ ký vay vốn, ông Hoàng Sỹ Sơn, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao thương hiệu Sông Đà trong đó Cty CP Thủy điện Cao nguyên Sông Đà là đơn vị đang trực tiếp đầu tư tại địa phương. Điều mà ông Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng tin chắc rằng khi hoàn thành dự án, Nhà máy thủy điện Yantann Siên đưa vào sản xuất thì không chỉ góp phần tăng trưởng GDP hàng năm cho địa phương, góp một phần thu ngân sách mà còn góp phần cải tạo môi trường sinh thái cho khu vực.
Ngày 18/11 vừa qua, thuỷ điện Yantann Siên đã tổ chức chặn dòng đợt 1 trên suối Đăk Huer thắng lợi. Thành công này sẽ tạo đà thuận lợi cho việc thi công các hạng mục tiếp theo như đào hố móng vai phải, vai trái, đắp đê quây thượng, hạ lưu, đắp đập chuyển nước và thi công tuyến kênh dẫn nước… tiến tới ngăn sông đợt 2 vào tháng 2/2010.
Tôi rời công trường về Đà Lạt sau 2 ngày làm việc và ăn nghỉ ngay tại các lán trại cùng cán bộ công nhân Ban điều hành. Phó giám đốc Nguyễn Văn Sắn có ý định thuê nhà nghỉ nhưng tôi muốn được cùng về văn phòng đại diện nơi Cty trụ đóng. Không to cao hoành tráng nhưng lại là địa điểm khá thông thoáng, khang trang nằm ngay trên đường Nguyên Tử Lực, cách Viện Nghiên cứu nguyên tử - hạt nhân Đà Lạt vài trăm mét đường chim bay. Thật mừng và thầm kính phục bởi những nhà quản lý Cty đã mạnh dạn tìm mua đứt căn hộ này để dùng làm văn phòng làm việc và sinh hoạt, tránh tình trạng ăn ở tạm bợ mang tính công trường vốn có. Đây là thứ tài sản cố định và so với giá thành lúc mua đến thời điểm này trụ sở đã có lãi tiền tỷ. Có thể nói Cty CP Thủy điện Cao nguyên Sông Đà đã an cư lạc nghiệp.
Theo Báo Xây dựng điện tử