Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 58/BXD-QLN trả lời như sau:
1. Về giá nhà ở xã hội
Ngày 29/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Theo đó, để thuận lợi đối với thủ tục xác định giá nhà ở xã hội, Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định: Giá bán được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm: chi phí đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) trong phạm vi dự án, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp (chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác), lợi nhuận định mức và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước; Giá thuê mua được xác định như giá bán và không tính kinh phí bảo trì nhà ở do người thuê mua nộp theo quy định của Luật Nhà ở; Giá thuê do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê (Điều 87). Trường hợp chủ đầu tư sử dụng giá trúng thầu thì không phải thực hiện thẩm định lại giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội (khoản 4 Điều 35 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Đồng thời, tại Điều 85 đã quy định các ưu đãi dành cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, cụ thể như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi về thuế theo pháp luật về thuế, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận 10%, được bố trí diện tích đất hoặc diện tích sàn kinh doanh thương mại và không phải hạch toán vào giá nhà ở xã hội. Các quy định này góp phần khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức vừa phải để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở, ổn định cuộc sống.
2. Về nguồn vốn hỗ trợ nhà ở xã hội
Thời gian vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu có các nguồn vốn hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, cụ thể như nguồn vốn 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ do các ngân hàng Thương mại chủ động cân đối và nguồn vốn ngân sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, mới có 37/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với tổng số 90 dự án. Doanh số giải ngân của chương trình đạt 2.360 tỷ đồng gồm: 2.162 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 17 dự án; 198 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án.
Ngày 03/10/2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 449/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thành trong tháng 10/2024 việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội. Trong đó 15.000 tỷ đồng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến góp ý của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội. Tại văn bản số 6390/BXD-QLN ngày 18/11/2024 và văn bản số 7156/BXD-QLN ngày 30/12/2024, Bộ Xây dựng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn tín dụng ưu đãi để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
3. Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, với mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 1.062.200 căn nhà ở xã hội. Đồng thời giao Bộ Xây dựng thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giám sát việc triển khai thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021 - 2030) nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên việc triển khai, thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021-2025 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra (tổng số các dự án đã hoàn thành tính đến tháng 12/2024, đã khởi công xây dựng mới đạt khoảng 40% mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025). Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
3.1. Đối với các Bộ, ngành
(1) Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có Luật nhà ở năm 2023, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Thông tư số 05/2024/TT-BXD ngày 29/7/2024 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Luật nhà ở để các địa phương, doanh nghiệp, người dân cùng biết, cùng hiểu, cùng triển khai, thực hiện.
(2) Đôn đốc các địa phương hoàn thành ban hành các văn bản triển khai các nhiệm vụ được giao tại Luật Nhà ở năm 2023 liên quan đến chính sách nhà ở xã hội ;
(3) Đôn đốc các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu của Đề án, nhất là những địa phương trọng điểm, có chỉ tiêu đăng ký cao nhưng việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội thấp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy việc triển khai các dự án nhà ở xã hội;
(4) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Tiếp tục xem xét nâng thời hạn vay ưu đãi và nghiên cứu mở các chỉ tiêu/ hạn mức tín dụng đối với khoản vay nhà ở xã hội phù hợp để tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện;
(5) Ngân hàng Chính sách xã hội
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành bố trí đủ nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định tại Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
3.2. Đối với các địa phương
(1) Khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư và Kế hoạch triển khai thực hiện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và các Công điện, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
(2) Bố trí đủ quỹ đất để thực hiện mục tiêu đầu tư nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023. Rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở. Nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền quy trình giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án nhà ở xã hội phù hợp; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.
(3) Về đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội
- Khẩn trương thực hiện đầu tư các dự án nhà ở xã hội trong năm 2024 và năm 2025 đảm bảo mục tiêu đề ra;
- Đối với các dự án đã khởi công, xây dựng đề nghị các địa phương thường xuyên đôn đốc để hoàn thành dự án ngay trong năm 2024 và 2025; hướng dẫn, tạo điều kiện các dự án được nghiệm thu, đưa vào sử dụng theo đúng quy định pháp luật;
- Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng;...để khởi công, xây dựng ngay trong năm 2024 và quý I/2025;
- Đối với các quỹ đất nhà ở xã hội chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương lập quy hoạch; cập nhật dự án vào chương trình kế hoạch của địa phương... để hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư;
- Khẩn trương, đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp Chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các Chủ đầu tư khác thực hiện;
- Chỉ đạo, kiểm tra việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo chất lượng, có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dịch vụ thiết yếu như đối với các dự án nhà ở thương mại; khuyến khích phát triển nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải cácbon thấp.
(4) Tiếp tục kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các Ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình và gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp.
3.3. Các doanh nghiệp
(1) Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công.
(2) Đối với các dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư: đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
(3) Sau khi khởi công dự án nhà ở xã hội cần nhanh chóng cung cấp,công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê.
(4) Khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội;
(5) Các chủ đầu tư dự án khu công nghiệp khẩn trương triển khai xây dựng nhà lưu trú đảm bảo chỗ ở cho công nhân trong khu công nghiệp theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023;
(6) Chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 58/BXD-QLN.