Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/6-2/7/2021

Thứ hai, 05/07/2021 14:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do COVID-19; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững; bổ sung kinh phí mua 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/6 - 2/7/2021.

Ảnh minh họa

Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Chính phủ đã quyết nghị thực hiện 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0); cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất...

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Tại Công điện 905/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách:

- Chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

- Kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra, canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn.

- Phải có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết; chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước...

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững

Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đưa ra 5 mục tiêu: 1- Phấn đấu quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; 2- Tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể; 3- Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững; 4- Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Trong đó đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch; 5- Giữ vững ổn định chính trị xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng; gìn giữ môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.

Nghị quyết đề 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: 1- Tập trung cao độ phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; 2- Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; 3- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số; 4- Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; 5- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; 6- Thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững; 7- Các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; 8- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, theo tinh thần “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, truyền cảm hứng và tạo niềm tin cho nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác, tích cực thực hiện phòng, chống dịch và thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng cường giám sát không gian mạng để loại bỏ các thông tin xấu độc; chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; 9- Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.

Quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp

Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ban hành ngày 29/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú có hiệu lực từ 1/7/2021, trong đó, có hướng dẫn về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Nghị định quy định công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau: Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở); giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong); hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán; giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở...

6 đối tượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV

Nghị định số 63/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), trong đó có 6 đối tượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV gồm: 1- Người có quan hệ tình dục đồng giới; 2- Người chuyển đổi giới tính; 3- Người sử dụng ma túy; 4-  Người bán dâm; 5- Vợ, chồng người nhiễm HIV; vợ, chồng của đối tượng quy định tại (1), (2), (3), (4) nêu trên; 6- Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV.

Bổ sung kinh phí mua 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Tại Quyết định 1022/QĐ-TTg ngày 30/6/2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 7.650,776 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (30 triệu liều) và do Pfizer sản xuất (31 triệu liều) như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.

Xây dựng kịch bản phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn khi dịch lây lan trên diện rộng

Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Dương phải xây dựng kịch bản phòng, chống dịch ở cấp độ nguy cơ dịch bệnh cao hơn nữa cho các tình huống xấu hơn nữa khi có thêm nhiều ca bệnh và dịch lây lan trên diện rộng.

Các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, có phương án cách ly ngay tại cơ sở sản xuất theo tinh thần vừa sản xuất vừa chiến đấu với dịch bệnh, nhất là tại các khu công nghiệp, phát huy tinh thần chủ động, áp dụng nhiều phương thức phù hợp; thường xuyên kiểm tra và chấn chỉnh việc thực hiện của doanh nghiệp, bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch.

Đồng Nai cần quyết tâm, kiên trì thực hiện mục tiêu kép

Tại Thông báo số 175/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Đồng Nai cần quyết tâm, kiên trì thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế; tạo nguồn lực để phòng, chống dịch tốt hơn. Tùy theo diễn biến tình hình thực tế, tỉnh cần lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với từng nhiệm vụ (phòng, chống dịch hoặc sản xuất kinh doanh, hoặc đồng thời thực hiện như nhau cả hai nhiệm vụ) tương tự như vậy đối với các huyện thị trực thuộc.

Tuyệt đối không để nơi tiêm chủng thành địa điểm tập trung đông người

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa điểm tiêm, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine COVID-19, tuyệt đối không để nơi tiêm chủng thành địa điểm tập trung đông người, có thể thành nơi lây nhiễm dịch.

Xem xét khả năng tiếp tục gia hạn ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát việc thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô; nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, xem xét khả năng tiếp tục gia hạn Chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn tiếp theo (sau năm 2022).

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)