Thời gian qua, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến trong toàn ngành, cơ quan, địa phương; các cơ quan đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quán triệt, hướng dẫn, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến; đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí phổ biến, tuyên truyền về việc lấy ý kiến nhân dân...
Xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có tác động lớn đến kết quả công tác tổ chức lấy ý kiến, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai, nên nhiều Bộ, ngành, địa phương đã chủ động tior chức việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nội dung và cách thức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong toàn ngành, cơ quan, địa phương mình một cách hiệu quả, thiết thực. Các hình thức lấy ý kiến được sử dụng rất phong phú, đa dạng như: tổ chức các hội nghị, hội thảo, toạ đàm lấy ý kiến với phạm vi khác nhau; thiết lập các địa chỉ cụ thể để tiếp nhận các ý kiến đóng góp của nhân dân từ nhiều nguồn khác nhau như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, thông qua cổng thông tin điện tử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; giao các cơ quan, đơn vị của mình xây dựng chuyên đề góp ý chuyên sâu về các nội dung liên quan trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đã có 30/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi báo cáo; 63/63 báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 2 báo cáo chuyên đề về Chính phủ, về chính quyền địa phương; báo cáo của Hội luật gia VN, Liên đoàn Luật sư VN và một số ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý...). Kết quả tổng hợp cho thấy các địa phương đã tổ chức 28.014 hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 18 triệu lượt ý kiến góp ý của tập thể, cá nhân. Trong đó tập trung chủ yếu vào các nhóm vấn đề được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, đề xuất hoàn thiện như: về Chính phủ; về chính quyền địa phương; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về Quốc hội, Chủ tịch nước, Toà án nhân dân tối cao, Hội đồng Hiến pháp có liên quan đến Chính phủ; về lời nói đầu; về chế độ chính trị; các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; về kỹ thuật lập hiến.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên , Uỷ viên Ban Chỉ đạo về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, Tổ trưởng tổ giúp việc của Ban chỉ đạo, người phát ngôn Ban chỉ đạo cũng đã thông tin thêm về những nội dung các nhà báo quan tâm cũng như những ý kiến khác nhau trong quá trình triển khai lấy ý kiến.
Theo : Báo Xây dựng điện tử