Tổng hợp báo cáo ý kiến đúng thời hạn
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết tính đến ngày 4/3 đã có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi báo cáo về tình hình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Việc lấy ý kiến nhân dân được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, bám sát Kết luận của Hội nghị Trung ương 2 và 6 khoá XI, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chính phủ...
Các đối tượng lấy ý kiến rất phong phú, đa dạng, có chất lượng, phản ánh được ý kiến chính đáng của nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, không để các đối tượng xấu lợi dụng đợt sinh hoạt chính trị dân chủ này để chống phá, xuyên tạc đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, quá trình triển khai lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp gặp một số khó khăn như tiến hành trong thời gian tương đối gấp, trùng với thời gian các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao trong triển khai công tác năm 2013, sau đó là dịp nghỉ Tết Nguyên đán…
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn do địa hình cách trở nên sự quan tâm, đóng góp ý kiến của trường hợp này còn hạn chế. Việc Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ban hành chậm hướng dẫn tập hợp, tổng hợp ý kiến nhân dân khiến nhiều địa phương phải tâp hợp, tổng hợp lại gây mất thời gian.
Mặc dù nhiều khó khăn trong tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tuy nhiên đại diện các bộ, ngành, địa phương đều bày tỏ quyết tâm gửi báo cáo tổng hợp ý kiến đến Ban chỉ đạo đúng thời hạn trước ngày 15/3.
Tính đến nay, các địa phương đã cơ bản tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp như ở Vĩnh Phúc đã có 40/50 cơ quan của tỉnh hoàn thành việc lấy ý kiến, Điện Biên có 9/9 huyện gửi báo cáo tổng hợp, Nghệ An có 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành lấy ý kiến ở cơ sở…
Nhiều ý kiến đề nghị sau thời hạn Chính phủ gửi báo cáo tổng hợp góp ý Hiến pháp lên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vào ngày 31/3, cần tiếp tục tổ chức tập hợp, tổng hợp lấy ý kiến về Dự thảo cho đến khi Hiến pháp mới được thông qua.
Với các Bộ, ngành, bên cạnh những đóng góp chung cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp còn tập trung góp ý xây dựng các vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình mà Hiến pháp đề cập đến.
Tăng cường lấy ý kiến của người dân khu vực nông thôn
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng các Bộ, ngành, địa phương chủ yếu lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Còn vùng nông thôn, nông dân, các chức sắc, tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu sổ còn ít được tổ chức lấy ý kiến. Bộ trưởng Hà Hùng Cường lưu ý các địa phương tập trung thực hiện lấy ý kiến những đối tượng này.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đề nghị các địa phương cố gắng đảm bảo thời hạn hoàn thành báo cáo tổng hợp ý kiến vào ngày 15/3 để gửi đến Ban chỉ đạo. Đối với việc tiếp tục thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân sau ngày 31/3, Ban chỉ đạo sẽ báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh kế hoạch để các Bộ, ngành, địa phương có phương án thực hiện.
Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, để tập hợp ý kiến đóng góp của các trí thức đang làm việc ở các Bộ, ngành, Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường mời các cán bộ này góp ý tại các hội thảo chuyên đề.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, các Bộ, ngành chưa tận dụng hết đội ngũ trí thức có trình độ để góp ý vào Dự thảo. Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành cần tập trung thời gian để tập hợp các ý kiến của đội ngũ trí thức này.
Sau khi nghe báo cáo và các kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá đến thời điểm này, việc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã cơ bản thành công, đạt mục đích và yêu cầu đề ra. “Đây thực sự là cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn trong đời sống chính trị đất nước, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đồng bào trong và ngoài nước”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần đảm bảo tính dân chủ, khách quan, trung thực. Đối với những nội dung góp ý trái với đường lối của Đảng cần phải phản bác lại trên cơ sở lý luận khoa học.
Phó Thủ tướng lưu ý các cơ quan, đơn vị cần tranh thủ sự góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý. Báo cáo cần thể hiện rõ phương pháp thống kê, so sánh các ý kiến ủng hộ, không ủng hộ đối với các vấn đề quan trọng.
“Các Bộ, ngành địa phương duy trì tiếp nhận ý kiến nhân dân để góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho đến khi được thông qua vào cuối năm 2013”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về công tác tuyên truyền cho đợt lấy ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp uỷ chỉ đạo các phương tiện truyền thông tuyên truyền đúng định hướng, đảm bảo tự do, dân chủ. Các cơ quan báo chí quan tâm đăng tải các ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đồng thời phải thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc sửa đổi Hiến pháp.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai cho biết sau hơn 2 tháng lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có trên 3.000 lượt tin bài phản ánh trên báo, đài của Trung ương.
Nhiều báo mở chuyên trang, chuyên mục thường xuyên đưa tin về sửa đổi Hiến pháp, phản ánh khá tốt việc đăng tải góp ý của nhân dân, các chuyên gia, nhân sỹ. Nhiều tuyến bài khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn, phê phán các quan điểm đề nghị đa sở hữu đất đai, phi chính trị hoá quân đội…
Đặc biệt đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí trong tuyên truyền để làm nên thành công của đợt lấy ý kiến này.
|
Theo : chinhphu.vn