Ngày 26/12/2024, Bộ Xây dựng tổ chức họp nghiệm thu kết quả thực hiện Nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn về quản lý không gian ngầm đô thị tại Việt Nam”, do Cục Hạ tầng kỹ thuật thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Nguyễn Công Thịnh - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp
Bảo vệ kết quả thực hiện Nhiệm vụ trước Hội đồng, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, cùng với sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa đã tạo áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng như đối với nhu cầu quỹ đất xây dựng đô thị (nhất là các khu vực trung tâm, khu vực lõi đô thị), khiến nhu cầu sử dụng không gian ngầm đô thị để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình thương mại, dịch vụ tăng cao. Điển hình như việc sử dụng không gian ngầm để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam chưa có luật về quản lý phát triển không gian ngầm; các quy định về quản lý không gian ngầm đang được lồng ghép trong các luật hiện hành như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Xây dựng và một số luật khác. Song vì quy định chưa cụ thể nên tính thống nhất, liên kết các quy định quản lý phát triển không gian ngầm còn bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, đối với các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động liên quan phát triển không gian ngầm đô thị. Do đó, việc thực hiện Nhiệm vụ này là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở khoa học, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý không gian ngầm đô thị tại Việt Nam.
Để thực hiện các yêu cầu Nhiệm vụ, nhóm đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu tài liệu trong nước và quốc tế có liên quan, áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học. Nhóm đã đề xuất xây dựng các nhóm chính sách: nhóm chính sách quy định về quyền sở hữu tài sản là công trình xây dựng ngầm; quy định về quản lý đất đai liên quan đến không gian ngầm; về quy hoạch không gian ngầm; về đầu tư, cơ chế chính sách cho đầu tư xây dựng phát triển công trình ngầm; về hoạt động xây dựng công trình ngầm; về phát triển không gian ngầm và quản lý vận hành, khai thác sử dụng không gian ngầm. Ngoài ra, đề xuất cần tiến hành phân loại không gian ngầm để tạo cơ sở cho các quy định quản lý theo tính chất và đặc điểm; cần quy định các vấn đề bảo đảm đồng bộ không gian ngầm, trên mặt đất, trên cao; an toàn công trình, an toàn cháy nổ, phòng chống thảm họa, bảo vệ môi trường; xây dựng và quản lý dữ liệu không gian ngầm, công trình xây dựng ngầm đô thị...
Theo đại diện nhóm nghiên cứu, những nội dung nghiên cứu của Nhiệm vụ đã đóng góp thiết thực cho nội dung quản lý đất xây dựng công trình ngầm của Luật Đất đai 2024; nội dung quy hoạch không gian ngầm trong các đồ án quy hoạch đô thị và trong nội dung Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Kết quả nghiên cứu của Nhiệm vụ cũng phục vụ trực tiếp công tác biên soạn Chương Quản lý phát triển không gian ngầm trong dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị hiện đang được Bộ Xây dựng dự thảo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong năm 2025.
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng nhất trí với lý do, sự cần thiết thực hiện Nhiệm vụ, ghi nhận nỗ lực, sự nghiêm túc của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nội dung, yêu cầu theo đề cương đã được phê duyệt. Đặc biệt, Hội đồng đánh giá cao việc nội dung nghiên cứu của Nhiệm vụ đã có đóng góp cho Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Công Thịnh tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ; chú trọng rà soát, bố cục nội dung Báo cáo tổng kết hợp lý hơn; bổ sung chính sách pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng không gian ngầm đô thị tại Việt Nam; sớm hoàn thiện Báo cáo tổng kết và các sản phẩm Nhiệm vụ và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.