Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" với 04 Bộ (Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp), lãnh đạo các Bộ đã thông tin, làm rõ một số vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2023 sẽ giải quyết nhiều tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua. Đó là giải quyết được những chồng chéo, mâu thuẫn, đảm bảo đồng bộ trong hệ thống pháp luật giữa Luật Kinh doanh bất động sản với các Luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư; Luật Các tổ chức tín dụng.
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã xử lý được một số nội dung như làm rõ khái niệm bất động sản, làm rõ các loại công trình đưa vào kinh doanh; bổ sung điều kiện dư nợ tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; bổ sung quy định về đặt cọc trong mua bán bất động sản; bổ sung quy định về bảo lãnh kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai; sửa đổi, bổ sung các điều kiện về chuyển nhượng dự án bất động sản; sửa đổi quy định nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động giao dịch bất động sản; sửa đổi các nội dung về điều tiết thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong điều tiết thị trường bất động sản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, quản lý thị trường bất động sản rất phức tạp, đòi hỏi nhiều bộ, ngành, địa phương cùng tham gia, nhưng thời gian qua do chưa hoàn thiện về công cụ để quy định quản lý thị trường bất động sản nên lúng túng trong điều tiết thị trường. Vì vậy, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã bổ sung quy định cụ thể về các nguyên tắc, biện pháp, thẩm quyền điều tiết thị trường bất động sản.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nghị định hướng dẫn, trong đó quy định rõ việc đánh giá thị trường bất động sản làm cơ sở đề xuất điều tiết; đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản, quy định cụ thể về việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản…
Đối với xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc, Bộ trưởng cho biết, các vướng mắc này liên quan đến cả đầu tư, quy hoạch, đất đai, quy trình, thủ tục hành chính. Vì vậy, trong nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở đã quy định rõ các giai đoạn đầu tư nhà ở thương mại; quy trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ. Bộ Xây dựng cũng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp ban hành quy trình chi tiết triển khai, nhưng trong quá trình thực hiện cần cập nhật liên tục, công khai. Nội dung này cũng đã được quy định cụ thể trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, tạo điều kiện áp dụng thống nhất trong thời gian tới.
Đối với việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đồng tình với những khó khăn, vướng mắc như thành viên Đoàn giám sát nêu, hy vọng thời gian tới khi Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực sẽ tháo gỡ cơ bản những vướng mắc này. Bộ Xây dựng được giao chủ trì xây dựng một số văn bản hướng dẫn, đang hoàn thiện, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực.
Đại biểu tham dự buổi làm việc
Với những vướng mắc về xác định đối tượng, điều kiện thụ hưởng nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho biết, Luật Nhà ở đã quy định rõ các điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, điều kiện thu nhập trong đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Luật cũng quy định rõ hơn về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc dành đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh. Nghị định hướng dẫn thi hành luật cũng quy định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, các giai đoạn đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đồng tình với những lo ngại của thành viên Đoàn giám sát về việc chậm giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội. Để đơn giản hóa thủ tục, tháng 4 vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, theo hướng chỉnh lý lại điều kiện của chủ đầu tư, bỏ điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng và cấp phép xây dựng so với trước đây. Bộ Xây dựng cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giảm lãi suất gói tín dụng này từ 3-5% so với lãi suất cho vay thương mại; nâng thời hạn cho vay; mở rộng các ngân hàng cho vay phát triển nhà ở xã hội…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh
Trong thẩm quyền, chức năng của mình, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Cục Kiểm tra văn bản pháp luật chưa ban hành kết luận về kiểm tra văn bản ban hành liên quan đến lĩnh vực bất động sản trái pháp luật.
Về tình hình ban hành văn bản hướng dẫn thi hành 4 luật (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng), Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, đây là nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt. Các bộ ngành đã triển khai kịp thời, đặc biệt là các bộ liên quan trực tiếp đến quản lý thị trường bất động sản đã dành nhiều công sức, làm ngày, làm đêm để tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành 4 luật đúng quy trình.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, với cam kết của Chính phủ trước Quốc hội, các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ được ban hành trước thời điểm luật có hiệu lực. Tuy nhiên, thách thức là công tác tổ chức thi hành, bởi thực tế cho thấy, nhiều nội dung được thành viên Đoàn giám sát đưa ra chính là những nội dung vướng mắc trong thực tế sẽ phát sinh.
Để tổ chức thực hiện tốt các luật và văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương chỉ đạo công tác phổ biến pháp luật, trong đó yêu cầu các bộ, ngành chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn; đồng thời xây dựng các tài liệu phổ biến pháp luật, để các địa phương khi triển khai bảo đảm thông suốt.
“Theo chức năng, thẩm quyền trong các luật này, vai trò, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh rất lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn vì các dự án nằm ở địa phương, thẩm quyền phê duyệt chủ trương, quy hoạch. Do đó, các địa phương cần chủ động thực hiện các nhiệm vụ, thẩm quyền được phân giao. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khi địa phương tháo gỡ vướng mắc, các bộ ngành cần chung tay chia lửa với các địa phương để cùng nhau tháo gỡ”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng báo cáo, giải trình với Đoàn giám sát một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến những vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng BT; công tác quy hoạch; thủ tục đầu tư; quy hoạch đất khu công nghiệp; định giá đất…
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 95 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Đây là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát và ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát tại Kỳ họp thứ 8.
Đoàn đã giám sát thực tế tại 12 địa phương. Ngày 22/7, Đoàn tổ chức làm việc với 4 Bộ (Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp) để làm rõ hơn tình hình thực tiễn; đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội; xác định tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; từ đó đề xuất nhiệm vụ, giải pháp xử lý những tồn tại, hạn chế, phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao báo cáo của các bộ. Qua các báo cáo và thảo luận, Đoàn giám sát đã thấy rõ hơn kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Qua giám sát tại 12 địa phương và ngày làm việc hôm nay cho thấy, chủ trương, đường lối của Đảng đã rõ, cụ thể làm định hướng để phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản, nhà ở xã hội; môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn. Thị trường bất động sản đã tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất lớn cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển và nâng cao điều kiện sống cho các tầng lớp Nhân dân.
Tuy nhiên, giai đoạn gần đây nguồn cung bất động sản suy giảm mạnh, chủ yếu từ các dự án triển khai trước đây, rất ít dự án mới; giá bất động sản tăng cao và ngày càng cao; có giai đoạn; mất cân đối cung - cầu trong các phân khúc của thị trường bất động sản. Bất cập, vướng mắc, chưa đồng bộ, thống nhất về quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, định giá đất, giao đất, cho thuê đất, đấu thầu, đấu giá, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, chuyển nhượng dự án sử dụng đất, cơ sở dữ liệu về đất đai. Số lượng căn hộ nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường còn thiếu hụt xa so với nhu cầu; hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đặt ra; quỹ đất 20% nhiều nơi chưa sử dụng, mới chỉ thể hiện trong quy hoạch, quỹ đất...
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị 4 bộ trong lĩnh vực phục trách nghiên cứu để đưa vào các thông tư, nghị định đang và sắp ban hành hoặc đề xuất sửa đổi các pháp luật có liên quan. Bám sát kiến nghị của các địa phương vì nhiều ý kiến xác đáng và là yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Đồng thời các bộ bổ sung đầy đủ các nội dung còn thiếu trong báo cáo gửi Đoàn giám sát.
Đề nghị thành viên Đoàn giám sát tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đầu tư thời gian, trí tuệ cho các hoạt động của Đoàn giám sát, chủ động nghiên cứu thông tin, tài liệu, báo cáo và phát hiện, đề xuất những vấn đề cụ thể, góp phần đạt mục đích, yêu cầu đề ra của Đoàn. Đồng thời, nghiên cứu kỹ kiến nghị của các bộ để hoàn thiện báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Quốc hội.