Ngày 26/12/2023, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu tích hợp mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai (DRR) trong quy hoạch đô thị”, do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Văn Lang thực hiện. Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Vũ Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Bảo vệ kết quả thực hiện đề tài trước Hội đồng, PGS.TS. Lê Anh Đức cho biết, đề tài được thực hiện nhằm phân tích, tổng quan về giảm thiểu rủi ro thiên tai và các lý luận của DRR trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị; nghiên cứu các mô hình quy hoạch đô thị tích hợp với DRR và khả năng vận dụng tại Việt Nam; vận dụng mô hình quy hoạch tích hợp DRR cho quy hoạch khu vực phía Nam Tp. Hồ Chí Minh.
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tích cực sưu tầm, tham khảo tài liệu trong nước và quốc tế có liên quan, áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học, hoàn thành Báo cáo tổng kết, trong đó đã phân tích tổng quan về chiến lược phòng, chống thiên tai tại Việt Nam và thực tiễn giảm thiểu rủi ro thiên tai ở Việt Nam; phân tích bối cảnh Tp. Hồ Chí Minh về phát triển đô thị, biến đổi khí hậu và công tác quy hoạch; đánh giá và nghiên cứu khu vực Nam Tp. Hồ Chí Minh (huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ); tích hợp mô hình DRR cho quy hoạch vực vực Nam Tp Hồ Chí Minh.
Kết thúc quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã đề xuất tích hợp mô hình DRR trong quy hoạch đô thị trên các phương diện: quy trình quy hoạch đô thị cần lồng ghép nội dung phân tích và đánh giá rủi ro thiên tai trong phân tích bối cảnh đô thị, đánh giá cụ thể tác động của thiên tai đối với đô thị; trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị cần quy định thành phần đất đai, trong đó có các loại đất có liên quan đến DRR, các quỹ đất dự phòng, vùng ngập nước điều tiết, vùng cách ly, vùng ngăn cách, chống chịu thiên tai, đồng thời quy định các chỉ tiêu và quy chuẩn cụ thể cho các thành phần chức năng, cấu trúc đất đai trong quy hoạch đô thị.
Đề tài cũng đề xuất mô hình tích hợp DRR trong quy hoạch cho khu vực huyện Cần Giờ và Nhà Bè; thực hiện đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai; đề ra những giải pháp quy hoạch chung để hạn chế tính dễ bị tổn thương và gia tăng năng lực giảm rủi ro thiên tai; gia tăng năng lực ứng phó, dự phòng, khắc phục và tái thiết đô thị.
Tại cuộc họp, các chuyên gia, thành viên Hội đồng nhất trí với lý do, sự cần thiết thực hiện đề tài, đồng thời đánh giá nhóm nghiên cứu đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo đề cương được duyệt; hồ sơ nghiệm thu đầy đủ, tuân thủ đúng các quy định hiện hành; Báo cáo tổng hợp thông tin phong phú, có giá trị khoa học, phục vụ hiệu quả việc lập, phê duyệt quy hoạch đô thị.
Tuy nhiên, theo Hội đồng, nhóm nghiên cứu cần xem xét bố cục, rút gọn Báo cáo tổng kết để hợp lý hơn; làm rõ hơn lý luận nguyên tắc tích hợp giảm thiểu rủi ro áp dụng vào thực tiễn Việt Nam; nhấn mạnh hơn sự cần thiết đề xuất bản đồ đánh giá rủi ro thiên tai trước khi lập quy hoạch đô thị, làm cơ sở lựa chọn khu vực phát triển đô thị phù hợp; rà soát, chỉnh sửa các thông tin, số liệu đảm bảo chính xác và thống nhất.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Vũ Ngọc Anh tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, thành viên Hội đồng, bổ sung một số ý kiến và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, sớm chỉnh sửa, biên tập, nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo tổng kết, các sản phẩm đề tài và thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
Hội đồng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu đề tài với kết quả đạt loại Khá.