Các đại biểu tham gia tọa đàm tại chuyên đề 2 “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới”.
Đề cập đến các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ những điểm mới trong Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó các chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).
Theo Thứ trưởng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng chủ trì soản thảo, Chính phủ trình, đã được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, dự kiến thông qua tại kỳ họp 6.
Trong dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) có 8 nhóm chính sách. Trong đó, có nhóm chính sách quan trọng về NƠXH.
Thứ trưởng cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi Luật Nhà ở bảo đảm thống nhất với các pháp luật khác liên quan như pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản; cải cách thủ tục hành chính; khơi thông, phát huy các nguồn lực, có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư các dự án NƠXH.
Riêng nhóm chính sách về NƠXH, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thống nhất sẽ có hiệu lực ngay sau khi dự án Luật được Quốc hội thông qua.
Đề cập tóm tắt đến các chính sách NƠXH, Thứ trưởng cho biết, trong dự thảo sửa đổi nhiều nội dung. Cụ thể, dự thảo luật bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp (gồm NƠXH và nhà lưu trú) và chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển điều phối tọa đàm chuyên đề 2.
Về việc dành quỹ đất cho NƠXH, khắc phục các tồn tại trước đây, chỉ dành 20% trong các dự án nhà thương mại ở đô thị từ loại III trở lên, dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng: Giao UBND cấp tỉnh chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển NƠXH theo chương trình kế hoạch đã duyệt. Như vậy UBND cấp tỉnh có thể quyết định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại hoặc bố trí dự án độc lập, đủ quỹ đất cho phát triển NƠXH trong thời gian tới.
Thứ ba, dự thảo luật làm rõ nhóm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư tham gia dự án NƠXH, nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển NƠXH nhiều hơn. Theo đó, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất; hưởng lợi nhuận 10%; được dành 20% diện tích đất thương mại dịch vụ để đầu tư các tiện ích cũng như các dịch vụ thương mại để phục vụ các cư dân trong khu vực dự án; được vay nguồn vốn ưu đãi với lãi suất ưu đãi thông qua các ngân hàng thương mại hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển các dự án NƠXH…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ những chính sách về phát triển NƠXH được đề cập tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Thứ tư, về đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giảm bớt các thủ tục trong xác định đối tượng mua NƠXH. Trong dự thảo trước đây có 3 tiêu chí, gồm tiêu chí cư trú, thu nhập và nhà ở. Dự thảo lần này bỏ tiêu chí về cư trú. Công dân Việt Nam nếu cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở là được thu hưởng chính sách nhà ở xã hộị.
Điều kiện về thu nhập cũng được xem xét theo hướng mở rộng, nâng lên xem xét ở mức thu nhập cao hơn. Điều kiện về nhà ở, trước đây nếu có nhà ở nhưng dưới 10m2 thì mới là đối tượng thì nay có thể xem xét lên 15m2/người, giống như một số nước trong khu vực.
Dự thảo cũng đề cập các chính sách cải cách thủ tục hành chính, nhất là chính sách về đầu tư, thủ tục giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh bày tỏ tin tưởng: Với những sửa đổi này trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thời gian tới sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển NƠXH cho người thu nhấp nhập thấp ở đô thị, cán bộ công chức, công nhân lao động trong các khu công nghiệp…
Đề cập đến vai trò của các địa phương trong phát triển NƠXH, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết: Theo Chiến lược phát triển nhà, mục tiêu thành phố Hà Nội phát triển 6,8 triệu m2, đây là chỉ tiêu lớn. Để hoàn thành mục tiêu này, việc đề xuất, tham mưu chính sách thu hút các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia là cần thiết. Trong đó, thành phố đề nghị cần có giải pháp cải cách về trình tự thủ tục, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án NƠXH.
Liên quan đến tiền sử dụng đất thu được từ 20% quỹ đất để phát triển NƠXH trong khu nhà ở thương mại, thành phố Hà Nội đề xuất sửa đổi khoản 3 điều 81 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng được sử dụng số tiền này thông qua quỹ phát triển nhà ở địa phương để phát triển đầu tư hoặc cho vay ưu đãi phát triển NƠXH.
Ông Mạc Đình Minh đề xuất tăng lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng NƠXH lên 15% (trước đây quy định là 10%).
Toàn cảnh chuyên đề 2.
Kết luận chuyên đề 2, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, về vấn đề năng suất, trong ngắn hạn năm 2023, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách tạo nền tảng thúc đẩy năng suất, gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Không được buông lơi vấn đề năng suất, kể cả trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ.
Về dài hạn, cần đổi mới cơ cấu nội ngành, tạo ra sự bền vững của năng suất, tạo sự đồng bộ trong các khâu triển khai, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp.
Về bảo đảm an sinh xã hội, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, các chuyên gia đã có nhiều chia sẻ xoay quanh vấn đề sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng linh hoạt, mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng, đối tượng thu, đa dạng hóa danh mục cơ cấu quỹ đầu tư bảo hiểm, hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đối với việc phát triển NƠXH, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị sửa đổi quy định của pháp luật liên quan đến quỹ đất, đối tượng thụ hưởng chính sách, điều kiện thụ hưởng, các ưu đãi cho chủ đầu tư, thủ tục hành chính.
“Qua trao đổi với các chuyên gia cũng như các tham luận gửi về Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ đúc rút những khuyến nghị chính sách để đóng góp vào hoàn thiện việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới” - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển kết luận.