Ngày 22/12/2022, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) phối hợp với Hội Bê tông Việt Nam tổ chức hội thảo “Công nghệ bê tông siêu tính năng (UHPC) ứng dụng tại Việt Nam”.
TS. Lê Quang Hùng phát biểu tại hội thảo
Tham dự hội thảo có TS. Lê Quang Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam; đông đảo chuyên gia, nhà khoa học thuộc các trường đại học, hội, hiệp hội chuyên ngành, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bê tông.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Quang Hùng cho biết, hiện nay UHPC đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước phát triển trên thế giới; tại Việt Nam, UHPC và công nghệ UHPC còn khá mới lạ. Tuy nhiên, do có nhiều tính năng vượt trội so với bê tông cốt thép thông thường nên UHPC được rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng như các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Việt Nam chú ý.
Xuất phát từ sự quan tâm của xã hội đối với loại bê tông siêu tính năng, Hội Bê tông Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng tổ chức hội thảo này nhằm cung cấp đầy đủ hơn những thông tin về loại hình bê tông siêu tính năng, đồng thời tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận, nhận diện đầy đủ những cơ hội cũng như những thách thức trong việc đẩy mạnh ứng dụng UHPC ở Việt Nam.
TS. Trần Bá Việt trình bày tham luận tại hội thảo
Trình bày tham luận tổng quan về UHPC và ứng dụng, TS. Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam dẫn thông tin từ Cục Quản lý đường cao tốc Liên bang Hoa Kỳ: UHPC là vật liệu composite gốc xi măng bao gồm các thành phần dạng hạt tối ưu, tỷ lệ nước so với vật liệu gốc xi măng nhỏ hơn 0,25 và có chứa cốt sợi phân bố không liên tục. Các đặc tính cơ học của UHPC bao gồm cường độ chịu nén lớn hơn 150Mpa và độ bền nén sau nứt lớn hơn 5Mpa. UHPC có cấu trúc lỗ rỗng không liên tục giúp giảm sự xâm nhập của nước, tăng cường đáng kể độ bền so với các loại bê tông thông thường khác. UHPC có nhiều đặc tính ưu việt: hỗn hợp UHPC chảy cao, không cần đầm; cường độ nén rất cao; cường độ kéo uốn rất cao; độ dẻo dai tốt; có thềm chảy dẻo; không cháy; chống thấm, chống ăn mòn; chi phí bảo trì rất thấp.
Hiện nay, UHPC đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đến năm 2020, số lượng cầu được xây dựng từ vật liệu này tại Malaysia là 185 cầu, tại Bắc Mỹ là 389 cầu. UHPC đã được chọn làm vật liệu xây dựng cho Bảo tàng các nền văn minh châu Âu và Địa Trung Hải - Bảo tàng quốc gia đầu tiên được xây dựng ở Pháp. Độ bền và lợi ích thẩm mỹ của vật liệu là những lý do chính để UHPC được lựa chọn.
Tại Việt Nam, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 50 cầu UHPC được xây dựng ở 17 tỉnh, thành, với độ dài nhịp cầu từ 8 - 20m. Dự kiến trong năm 2023, tại Việt Nam sẽ xây dựng thêm khoảng 60 cầu. Đặc biệt, UHPC cũng đã được sử dụng trong Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Bên cạnh những ưu điểm, TS. Trần Bá Việt cũng nêu lên một số hạn chế trong việc triển khai áp dụng rộng rãi vật liệu này, như: Việt Nam hiện chưa nắm vững công nghệ về UHPC, giá thành sản xuất cao nên thường hiệu quả hơn đối với những công trình lớn. Tuy nhiên theo thời gian, sự tiến bộ của khoa học công nghệ sẽ giúp giảm giá thành sản xuất UHPC.
Liên quan đến phát triển và ứng dụng UHPC tại Việt Nam, TS. Đỗ Tiến Thịnh (IBST) đã trình bày tổng quan nội dung bộ tiêu chuẩn TCVN về UHPC, gồm có UHPC - Vật liệu yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử; UHPC - Hướng dẫn thiết kế kết cấu; UHPC - Thi công và nghiệm thu. Bộ 3 tiêu chuẩn này đã được Bộ xây dựng nghiệm thu và chuyển sang Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học Công nghệ để thực hiện các thủ tục cần thiết trước khi ban hành, dự kiến trong năm 2023.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến công nghệ UHPC, về triển vọng ứng dụng loại bê tông này tại Việt Nam. Các ý kiến chuyên gia nhìn chung đều đánh giá cao những tính năng ưu việt của UHPC so với bê tông cốt thép thông thường, quan trọng nhất là độ bền và khả năng tạo hình kiến trúc. Với những tính năng này, UHPC hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho ngành bê tông Việt Nam.
Kết luận hội thảo, Viện trưởng IBST Nguyễn Hồng Hải cảm ơn các ý kiến đóng góp rất hữu ích, thiết thực của các đại biểu tham dự hội thảo. Ban tổ chức sẽ tổng hợp và nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ nhằm nắm bắt và vận dụng kịp thời, hiệu quả những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng nói chung, sản xuất bê tông nói riêng tại Việt Nam, góp phần cho ngành Xây dựng Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập.