Ngày 12/10/2015 tại cơ quan Bộ Xây dựng, Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng (QHXD) Vùng Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh. Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ; các Bộ ngành liên quan; các Hội và Hiệp hội chuyên ngành; các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Xây dựng.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì Hội thảo
Tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam – KTS. Ngô Quang Hùng – trưởng nhóm nghiên cứu đã báo cáo về những nội dung mới của đồ án điều chỉnh so với Quy hoạch Vùng Tp. Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/5/2008.
Theo báo cáo, việc điều chỉnh QHXD Vùng Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 nhằm nâng cao vai trò vị thế của Vùng trong vùng Đông Á, khu vực Đông Nam Á, đồng thời tăng cường kết nối với các vùng kinh tế đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới. Đồ án điều chỉnh QHXD Vùng được thực hiện để khắc phục các hạn chế trong định hướng phát triển không gian Vùng và những tồn tại, bất cập trong thực trạng phát triển Vùng; là bước hiện thực hóa Nhiệm vụ Điều chỉnh QHXD Vùng Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 3/7/2014.
Đồ án được xây dựng trên cơ sở đánh giá hiện trạng và các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, từ đó xác định những định hướng chủ yếu về phát triển không gian, quy hoạch hạ tầng khung kỹ thuật - xã hội, đề xuất các dự án chiến lược làm động lực cho sự phát triển của Vùng cũng như xác định các nguồn lực đầu tư. Các nội dung điều chỉnh như tính chất chức năng Vùng; ý tưởng mô hình tập trung đa cực với vùng đô thị trung tâm và các cực tăng trưởng; ưu tiên phát triển mạnh về phía Bắc và phía Đông, hạn chế phát triển về phía Nam; giải pháp các trục hành lang kinh tế - đô thị kết nối quốc gia và quốc tế; giải pháp hành lang tăng trưởng, hành lang xanh…cũng được đại diện tư vấn nước ngoài (INSAR – CHLB Đức) trình bày khá chi tiết tại Hội thảo.
Bên cạnh những nhận xét, đánh giá cao về chuyên môn, cách tiếp cận khoa học của nhóm nghiên cứu, đại diện các Bộ ngành đóng góp thêm một số ý kiến cho đồ án: bổ sung một số căn cứ pháp lý; làm rõ hơn định hướng phát triển không gian Vùng, tạo thêm động lực phát triển mới cho từng địa phương đặc biệt các tỉnh nghèo trong Vùng như Bình Phước, Tây Ninh, Long An; làm rõ các tuyến giao thông được điều chỉnh và hệ thống giao thông kết nối Vùng trong định hướng phát triển giao thông…Nhìn chung, các đại biểu tham dự Hội thảo đều bày tỏ đồng thuận cao với quan điểm mục tiêu của nhóm nghiên cứu khi tiến hành lập đồ án - đạt được sự phát triển cân bằng, giảm áp cho đô thị trung tâm; xây dựng một Vùng có khả năng chống chịu cao với các bất ổn về môi trường (biến đổi khí hậu) và kinh tế - xã hội nói chung; xây dựng một Vùng có khả năng kết nối tốt thông qua hệ thống giao thông với những dự án trọng điểm quốc gia được tập trung ưu tiên: cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường sắt tốc độ cao Tp. Hồ Chí Minh – Nha Trang, cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh lưu ý nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến trong Hội thảo để bổ sung chỉnh sửa đồ án; tiếp tục rà soát các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng tỉnh cho phù hợp; cần làm rõ hơn vấn đề phát triển bền vững và một số phạm trù khác trong đồ án. Đánh giá cao ý tưởng định hướng không gian và mô hình quản lý vùng của tư vấn nước ngoài, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cũng bày tỏ mong muốn có một sự bứt phá vì đây là vùng phát triển vô cùng năng động, tuy nhiên các bên tư vấn cần nghiên cứu kỹ để phù hợp với thể chế và khung pháp lý của Việt Nam./.
Lệ Minh