Ngày 01/12/2020, Bộ Xây dựng đã họp Hội đồng Tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu công nghệ tách tạp chất bã thạch cao phosphor nhà máy phân bón cho sản xuất vật liệu xây dựng”, mã số TĐ 20-17, do Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thực hiện. PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng nghiệm thu
Báo cáo Hội đồng, PGS.TS Ngô Kim Chi chủ nhiệm đề tài cho biết: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 5,6 triệu tấn bã thạch cao phosphor thải ra từ quá trình sản xuất hóa chất phân bón của các nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng), DAP Lào Cai, DAP Bắc Giang. Nguồn thải với khối lượng lớn này hiện chỉ được băng tải đưa ra bãi lưu chứa và che phủ bạt tạm thời, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn về lâu dài. Hiện tại mới có lượng rất nhỏ bã thạch cao được tái chế làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết xi măng, mà cũng chưa được ứng dụng rộng rãi. Vì vậy mục tiêu của đề tài là nghiên cứu công nghệ tách tạp chất bã thạch cao phosphor nhà máy phân bón cho sản xuất vật liệu xây dựng (cụ thể là nguyên liệu sản xuất thạch cao).
Triển khai đề tài với đối tượng nghiên cứu là thạch cao từ nhà máy DAP1- Đình Vũ (Hải Phòng) và nhà máy DAP2-Lào Cai, nhóm tác giả đã thực hiện các nhiệm vụ cụ thể: tổng quát tài liệu từ các bài báo về nguồn chất thải thạch cao phosphor nhà máy hóa chất, các công nghệ và kỹ thuật loại bỏ tạp chất trong chất thải thạch cao phosphor; đánh giá hiện trạng bã thạch cao tại các nhà máy phân bón; xây dựng công nghệ tách tạp chất, thử nghiệm công nghệ hòa tách tạo chất bã thải thạch cao phosphor; nghiên cứu bài phối liệu trộn mẫu bê tông xi măng phụ gia thạch cao và thử nghiệm; so sánh hiệu quả; đề xuất mô hình công nghệ tách tạp chất bã thạch cao phosphor; xây dựng tài liệu kỹ thuật, đào tạo, đánh giá hiệu quả kinh tế kỹ thuật.
Nhận xét về kết quả thực hiện đề tài, hai ủy viên phản biện là PGS.TS Tạ Ngọc Dũng (Viện Kỹ thuật hóa học – Đại học Bách khoa Hà Nội) và PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Hường (Khoa Hóa học – Đại học Khoa học tự nhiên) cùng các thành viên Hội đồng đánh giá: báo cáo tổng quan đã liệt kê khá đầy đủ các vấn đề, từ hiện trạng chất thải thạch cao phosphor và ứng dụng, đến công nghệ sản xuất thạch cao nhân tạo và cuối cùng là các kỹ thuật và công nghệ tinh sạch phosphogyp. Báo cáo đã tổng hợp các quy trình sản xuất hiện có trên thế giới và Việt Nam, từ đó lựa chọn ra quy trình phù hợp và ứng dụng trong quy mô phòng thí nghiệm. Các tài liệu tham khảo phong phú; các kết quả nghiên cứu thuộc phần nghiên cứu cơ bản khá tốt. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu công nghệ mới chỉ dừng ở các bước cơ bản nhất (phòng thí nghiệm). Tài liệu kỹ thuật một số phần về các quy trình còn nặng tính mô tả thí nghiệm cụ thể đã thực hiện, chưa thực sự mang tính tổng hợp, khái quát để hướng dẫn ở các quy mô khác. Nội dung quan trọng của đề tài là đánh giá hiệu quả kinh tế kỹ thuật sử dụng thạch cao nhân tạo cho sản xuất vật liệu xây dựng, tuy nhiên còn sơ sài, chưa tính kỹ điều kiện sản xuất thực như nhân công, lãi vay đầu tư…
Hội đồng thống nhất ý kiến tuy còn một số tồn tại, song các kết quả nghiên cứu về cơ bản phù hợp với các mục tiêu đã đề ra, và nhất trí nghiệm thu đề tài.