Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc thực hiện giải pháp cấp nước sinh hoạt cho vùng đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, ngày 25/11/2020, tại TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị Tham vấn điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc hội nghị
Dự hội nghị có Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Mai Thị Liên Hương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập; đại diện các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện UBND các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; Ngân hàng Thế giới; Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, Viện Thủy lợi miền Nam; Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Mai Thị Liên Hương cho biết, ngày 8/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2140/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Cấp nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 2140).
Quy hoạch 2140 được lập và phê duyệt trong bối cảnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt xâm nhập mặn năm 2015 - 2016. Đến nay, Quy hoạch này đang được các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, để các dự án cấp nước trong vùng được triển khai một cách khoa học và đồng bộ, đồng thời làm cơ sở tiến hành cập nhật, tích hợp nội dung định hướng phát triển hạ tầng cấp nước vào Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030 đang được tổ chức lập, việc điều chỉnh Quy hoạch 2140 là đặc biệt cần thiết và mang tính cấp bách.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa nêu lên những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch 2140, đặc biệt là những khó khăn do diễn biến quá nhanh và phức tạp của tình trạng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long khiến cho một số vị trí nhà máy theo quy hoạch nguồn nước đã bị nhiễm mặn vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần hoặc chớm nhiễm mặn trong thời gian gần đây.
Theo Phó Chủ tịch Lê Văn Nghĩa, mùa khô hạn năm 2019 - 2020 ở Đồng bằng Sông Cửu Long đến sớm, gay gắt và kéo dài, vượt qua cả mùa khô năm 2015 - 2016, gây ảnh hưởng tới 96.000 hộ dân, tương đương 430.000 người thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, vùng nông thôn hiện có 20.600 hộ được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, chiếm 22%; 75.400 hộ tự cấp nước, chiếm khoảng 78%, tập trung tại 7 tỉnh: Bến Tre có 20.000 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ. Do đó, việc điều chỉnh Quy hoạch 2140 là đặc biệt cần thiết và mang tính cấp bách.
Xuất phát từ thực tiễn diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đại diện UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An bày tỏ mong muốn các Bộ sớm có ý kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long để các địa phương sớm triển khai các chương trình, dự án, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, viện, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tích cực thảo luận, trao đổi và đưa ra những ý kiến đóng góp điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong đó, nhiều ý kiến thể hiện sự đồng tình, nhất trí với đề xuất của UBND 3 tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Long An về sự cần thiết phải xây dựng hệ thống cấp nước thô (Trạm bơm nước thô và hệ thống chuyền tải nước thô tới các nhà máy hiện hữu, nhằm đảm bảo cung cấp ổn định nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng I, II theo phạm vi của Quy hoạch 2140).
Theo GS.TS. Trần Đức Hạ (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), các địa phương có thể nghiên cứu kết hợp các dự án cấp nước với các dự án thủy lợi để xây dựng các hồ chứa nước và quan tâm đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước. Ông cũng nêu lên phương án xử lý nước mặn, nước lợ nhằm giải quyết tốt hơn nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân trong vùng.
Tham dự hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết: Những đề xuất, kiến nghị của các địa phương cũng như những ý kiến góp ý của đại diện các Bộ, Viện, các trường Đại học và chuyên gia, đại biểu khách mời đều có cơ sở và có tính logic. Việt Nam cần xem xét kết hợp các giải pháp từ xử lý nước mặt, xử lý nước mặn nước lợ, tái sử dụng nước mưa, đồng thời cần chia dự án thành các giai đoạn nối tiếp nhau để có những giải pháp cấp nước phù hợp nhất.
Kết luận hội nghị, Cục trưởng Mai Thị Liên Hương cảm ơn các đại biểu đã thu xếp thời gian tham dự hội nghị và cho biết Ban tổ chức sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, Viện, các trường đại học và các chuyên gia trong nước, quốc tế, đại diện các địa phương nhằm sớm hoàn thiện các phương án để đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.