Ngày 5/9/2014, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học Kỹ thuật chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu xây dựng Chương trình đào tạo kỹ sư xây dựng công trình theo hướng tiên tiến và hội nhập quốc tế do PGS.TS Vương Ngọc Lưu – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội làm chủ nhiệm.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu
Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS Vương Ngọc Lưu đã báo cáo trước Hội đồng kết quả của đề tài. Đề tài Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở Việt Nam ngày càng hội nhập với quốc tế trên nhiều lĩnh vực, công tác đào tạo cần phải đi trước một bước, do vậy, việc xây dựng Chương trình là phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của xã hội, đáp ứng với nhu cầu, đảm bảo tính hiện đại.
Ưu điểm của Chương trình đào tạo là có tính liên thông, tránh được các lặp lại không cần thiết trong giảng dạy, tiết kiệm thời gian, mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội. Thời lượng của mỗi cấp bậc đào tạo phù hợp với khuynh hướng hiện nay của các nước trong khu vực và thế giới. Chương trình đào tạo được chia làm 3 cấp và có cấu trúc chương trình xây dựng đào tạo như sau: thời gian đào tạo 3 năm cấp bằng Cử nhân Xây dựng; đào tạo 4,5 năm cấp bằng Kỹ sư Xây dựng; đào tạo 6 năm cấp bằng Thạc sỹ Xây dựng.
Sinh viên tốt nghiệp Chương trình Đào tạo kỹ sư Xây dựng công trình sẽ có được các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp như: có các kiến thức cơ bản về các nguyên lý của Chủ nghĩa Mác- Lênin, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh; có các kiến thức về khoa học tự nhiên; có kiến thức cơ bản về lĩnh vực của chuyên ngành; có trình độ tiếng anh tương đương với TOEIC 400; có khả năng sử dụng các công cụ kỹ thuật hiện đại, các phần mềm phân tích kết cấu, tính toán địa kỹ thuật, quản lý dự án; có khả năng giao tiếp và làm việc trong các nhóm liên ngành liên quan đến lĩnh vực xây dựng…
Các thành viên trong Hội đồng đều đánh giá cao tính thiết thực của đề tài cùng với những nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng: thời lượng chương trình tiếng anh trong Chương trình đào tạo với tổng số 10 tín chỉ như vậy là hơi ít để nhằm mục đích hội nhập quốc tế. Ngoài ra, các tài liệu tham khảo cho các môn học còn ít, cần cập nhật thêm, tên một số quy phạm cần viết đúng theo văn bản ban hành và cần đưa môn hóa vào trong học phần bắt buộc vì công nghệ và vật liệu mới gắn chặt với nhau trong thời đại công nghệ hiện nay.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Trung Hòa – Vụ trưởng Vụ KHCN & MT, ngoài những ý kiến đóng góp của Hội đồng, nhóm tác giả cần bổ sung thêm phần mở đầu, sự cần thiết, mục tiêu, kết luận và kiến nghị, bổ sung kết quả nội dung nghiên cứu theo đề cương của hợp đồng, phân tích đánh giá tình hình đào tạo trong nước và quốc tế, phân tích chương trình hiện nay và chương trình đổi mới khác nhau ở điểm nào, để đề tài được hoàn thiện hơn, sớm được triển khai và đưa vào áp dụng trong công tác giảng dạy của Trường.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu và xếp loại xuất sắc./.
Bích Ngọc