Theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài trước Hội đồng, hàm lượng SO3 (thạch cao) trong xi măng được quy định từ 1,6% - 2,2% với mục đích điều chỉnh thời gian đông kết của xi măng, tuy nhiên, hàm lượng SO3 không chỉ ảnh hưởng đến thời gian đông kết mà còn tác động đến cường độ, độ nở, độ co của mẫu đá xi măng. Thông qua nghiên cứu thử nghiệm trên các mẫu vữa xi măng, nhóm đề tài đã phát hiện hàm lượng SO3 thay đổi khiến cho cường độ nén của vữa xi măng cũng thay đổi theo, mối quan hệ này được biểu diễn thành một đường cong dạng parabol ngược. Việc tính toán các kết quả như cường độ nén, hàm lượng SO3 tối ưu được lấy chính xác đến 0,01.
Dự thảo tiêu chuẩn "Xi măng - phương pháp xác định gần đúng hàm lượng SO3 tối ưu thông qua cường độ nén" được biên soạn dựa trên tiêu chuẩn Mỹ ASTM C563-07 - và tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6016:1995 về phương pháp xác định cường độ nén.
Theo TS. Trần Bá Việt - Phó Viện trưởng Viện KHCN Xây dựng - ủy viên phản biện của Hội đồng, tiêu chuẩn này rất có giá trị, việc biên soạn dựa trên ASTM C563-07 là phù hợp.
Phát biểu đóng góp cho dự thảo tiêu chuẩn và nhóm đề tài, TS.Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội VLXD Việt Nam khẳng định, thạch cao là thành phần không thể thiếu trong xi măng, việc tính toán sử dụng hàm lượng SO3 tối ưu mang ý nghĩa kinh tế đối với các nhà sản xuất xi măng và cho đất nước vì thạch cao chủ yếu phải nhập khẩu. Vì vậy việc biên soạn tiêu chuẩn "Xi măng - phương pháp xác định gần đúng hàm lượng SO3 tối ưu thông qua cường độ nén" là cần thiết và có giá trị thực tiễn. Việc biên soạn tiêu chuẩn này dựa trên ASTM C 563-07 và các tiêu chuẩn Việt Nam được ban hành mới đây là phù hợp và có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, trong tiêu chuẩn này nên quy định cách lấy mẫu đơn giản hơn để người thí nghiệm dễ áp dụng và phù hợp với điều kiện thiết bị, dụng cụ của các phòng thí nghiệm hiện có của Việt Nam.
Trong các ý kiến đóng góp cho dự thảo tiêu chuẩn, các thành viên của Hội đồng đề nghị nhóm đề tài bổ sung thêm một số nội dung như thuyết minh kỹ hơn quy trình nghiền mịn thạch cao, định nghĩa hàm lượng tối ưu, bổ sung tuổi của mẫu thí nghiệm trong phần báo cáo thí nghiệm, làm rõ hơn đối tượng sử dụng tiêu chuẩn này...
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng - Th.S Trần Đình Thái - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường Bộ Xây dựng đã đánh giá cao những cố gắng của nhóm đề tài trong việc xây dựng dự thảo tiêu chuẩn này. Về cơ bản, dự thảo tiêu chuẩn đã đáp ứng được yêu cầu, tuy còn một số chỗ cần điều chỉnh. Thay mặt Hội đồng, Th.S Trần Đình Thái đã yêu cầu nhóm đề tài tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện dự thảo tiêu chuẩn.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu với kết quả xếp loại Xuất sắc.
Minh Tuấn