Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, dự án trình diễn công nghệ xử lý và tái chế rác thải tại Sông Công là một ví dụ điển hình về mô hình đầu tư xây dựng và áp dụng công nghệ hoàn toàn trong nước. Trong tổng số vốn hơn 35 tỷ đồng, vốn tài trợ của Chính phủ Đan Mạch chiếm 52%, vốn đối ứng của địa phương và trong nước chiếm tới 47%. Ngoài ra địa phương và nhân dân còn đóng góp gần 20 tỷ đồng đầu tư xây dựng 7km đường, giải phóng mặt bằng cho tuyến đường điện 22kV dài 2 km vào nhà máy. Có thể khẳng định rằng, dự án này là sự kết hợp thành công giữa Nhà nước - Nhà công nghệ - Nhà tài trợ và nhân dân trong việc xử lý chất thải rắn - là vấn đề nhiều địa phương đang còn vướng mắc.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã biểu dương sự nỗ lực của Sở Xây dựng Thái Nguyên với vai trò là chủ đầu tư dự án, cám ơn sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và thị xã Sông Công, sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư thị xã Sông Công góp phần vào thành công của dự án.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, những thành công ban đầu của Dự án nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công là bài học kinh nghiệm quan trọng để phát triển, nhân rộng mô hình này trong cả nước, phù hợp với đặc thù và điều kiện mỗi địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng đã trình bày tham luận về lựa chọn mô hình đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn, thực trạng công tác xử lý chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải rắn và các cơ chế chính sách có liên quan; Công ty TNHH Thủy lực- Máy giới thiệu về công nghệ xử lý rác thải MBT-CD.08 - công nghệ được áp dụng tại Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công.
Lễ cắt băng khánh thành nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công
Thông qua "Chương trình Hợp tác phát triển Việt Nam - Đan Mạch trong lĩnh vực môi trường" và "Hợp phần Phát triển bền vững môi trường trong khu đô thị nghèo", dự án trình diễn công nghệ xử lý và tái chế rác thải Sông Công công suất 50 tấn/ngày được xây dựng trên diện tích 02 ha tại xã Tân Quang, cách thị xã Sông Công 7km, cách công trình dân cư gần nhất 1km, cuối hướng gió, xung quanh có rừng cây ngăn cách và 15 đất dự trữ vành đai với diện tích 15ha xung quanh khu vực đảm bảo theo quy định về khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường của nhà máy xử lý rác. Đây là nhà máy xử lý và tái chế rác thải với công nghệ MBT-CD.08 được xây dựng và lắp đặt đầu tiên tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đây là công nghệ do các doanh nghiệp trong nước thiết kế và chế tạo. Ưu điểm của công nghệ này là xử lý triệt để rác thải, không chôn lấp, tự động phân loại và thu hồi phế thải để tái chế thành các sản phẩm khác, tái chế rác thải thành vật liệu xây không nung, thành viên đốt làm nhiên liệu cho các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp và làng nghề...
Minh Tuấn