Nhiệm vụ của Ban Đổi mới doanh nghiệp
1. Tổ chức nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng thể về sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ theo từng giai đoạn để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện các chương trình, kế hoạch tổng thể về sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết triển khai các nhiệm vụ về sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước của Bộ hàng tháng, 06 tháng, hàng năm, trình Bộ trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện.
3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định để Bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc Bộ phê duyệt theo thẩm quyền: phương án cổ phần hóa, phương án chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, bộ phận doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc nhiều thành viên, công ty mẹ - công ty con; các Đề án hình thành Tập đoàn kinh tế; Điều lệ tổ chức và hoạt động của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, Công ty nhà nước thuộc Bộ.
4. Thẩm định, trình Bộ quyết định theo thẩm quyền hoặc để Bộ tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền về việc góp vốn vào doanh nghiệp khác (bao gồm cả việc góp vốn thành lập mới doanh nghiệp) của các doanh nghiệp: Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, các Tổng công ty trực thuộc Bộ.
5. Thẩm định phương án phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp: Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, các Tổng công ty trực thuộc Bộ; theo dõi tình hình thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Là đầu mối giúp Bộ trưởng tổ chức sinh hoạt thường kỳ với đội ngũ Kiểm soát viên của các Tập đoàn, Tổng công ty do Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm.
7. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng về tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa và kiến nghị xử lý các vấn đề bất cập, kể cả việc ban hành mới hoặc sửa đổi theo thẩm quyền các quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bao gồm:
a) Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, tài sản của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa;
b) Việc tăng, giảm vốn điều lệ, việc thay đổi về giá trị và tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại các công ty cổ phần;
c) Phương án phân phối lợi nhuận, tình hình thu, nộp, quản lý và sử dụng cổ tức, thặng dư phát hành cổ phần của các công ty cổ phần;
d) Việc cử và quản lý người đại diện phần vốn nhà nước của các Tập đoàn, Tổng công ty tại các doanh nghiệp khác;
đ) Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của các Tập đoàn, Tổng công ty.
8. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ; tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá và báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
9. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ; chuẩn bị các kiến nghị, đề xuất để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Bộ và Bộ trưởng.
10. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến việc sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; tham gia ý kiến về phương án sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ khác, các địa phương hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; tham gia ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước.
Nhiệm vụ của Vụ Kế hoạch - Tài chính
1. Thẩm định để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm, Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, các Tổng công ty trực thuộc Bộ.
2. Theo dõi, giám sát ngành nghề kinh doanh, danh mục đầu tư của Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, các Tổng công ty trực thuộc Bộ đảm bảo phù hợp với lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chính được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng giao.
3. Thẩm định, trình Bộ trưởng quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của các Tổng công ty trực thuộc Bộ; phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án điều chỉnh vốn điều lệ của Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.
4. Tham gia ý kiến để Hội đồng thành viên các Tổng công ty trực thuộc Bộ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Tổng công ty; tham gia ý kiến để Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.
5. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư, tài chính, tài sản, công nợ, việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước của Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, các Tổng công ty trực thuộc Bộ.
6. Thẩm định, trình Bộ trưởng quyết định theo thẩm quyền hoặc để Bộ trình cấp có thẩm quyền quyết định: công bố giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hóa; công bố giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần để bàn giao doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần; chuyển doanh nghiệp 100% nhà nước sang công ty cổ phần.
7. Chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết các vướng mắc về tài chính, tài sản, tiền vốn của các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ khi sắp xếp, cổ phần hóa.
8. Thẩm định, thay mặt Bộ trưởng ký các Biên bản bàn giao vốn nhà nước của các Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ khi chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng.
9. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách và tham gia ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý tài chính, tài sản, tiền vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Nhiệm vụ của Vụ Tổ chức cán bộ
1. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách về quản lý cán bộ lãnh đạo, quản lý người đại diện phần vốn nhà nước và quản lý lao động tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
2. Nghiên cứu, trình Bộ trưởng quyết định ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định về: tiêu chuẩn và quy trình thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Bộ trưởng tại Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, các Tổng công ty trực thuộc Bộ; tiêu chuẩn và quy trình thủ tục cử, thay thế và các quy định liên quan đến quản lý người đại diện phần vốn nhà nước của các Tập đoàn, Tổng công ty tại doanh nghiệp khác.
3. Tiến hành quy trình, thủ tục để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên và chấp thuận để Hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam; trình Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Kiểm soát viên các doanh nghiệp này theo sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ.
4. Trình Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên và chấp thuận để Hội đồng thành viên quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc các Tổng công ty trực thuộc Bộ; trình Bộ trưởng quyết định cử người đại diện phần vốn nhà nước tại các Tổng công ty trực thuộc Bộ khi cổ phần hóa.
5. Thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt phương án sắp xếp lại lao động khi thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ.
6. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình công tác cán bộ tại các Tổng công ty trực thuộc Bộ, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành, các quy định trước đây về phân công nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp đối với Ban Đổi mới doanh nghiệp, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ trái với Quy định này đều bãi bỏ.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Quyết định 312/QĐ-BXD.