Ngày 4/3/2010, tại Hà Nội, CụcPhát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã tổ chức Hội thảo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đếndự hội thảo có đại diện Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng hội Xây dựng ViệtNam, Hiệp hội Quy hoạch và phát triển đô thị, lãnh đạo các Bộ, Ngành, Cục, Vụ, Viện có liên quan… và các chuyên gia tư vấn quốc tế và trong nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo TS. Lưu Đức Hải - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng đã điểm lại quá trình lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội. Đến nay đồ án đã trải qua Báo cáo Khởi đầu và 3 lần báo cáo Chính phủ cùng với nhiều Hội thảo khoa học. Mục tiêu của Hội thảo lần này là để Liên danh tư vấn nước ngoài PPJ và tư vấn trong nước Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị - nông thôn (VIAP) Bộ Xây dựng báo cáo về nội dung của đồ án và lấy ý kiến đóng góp của các hội nghề nghiệp.
Đại diện của Liên danh tư vấn nước ngoài PPJ và tư vấn trong nước VIAP đã giới thiệu tóm tắt những nội dung chủ yếu của đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội. Đồ án đề xuất các nội dung với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trên cơ sở 5 ý tưởng chủ yếu: Bảo tồn và tôn tạo giá trị lịch sử của đô thị lõi lịch sử; giới hạn phạm vi mở rộng ở vành đai 4; trị thuỷ sông Hồng; xây dựng hành lang xanh; phát triển vùng sinh thái. Cấu trúc quy hoạch của Hà Nội sẽ bao gồm đô thị lõi lịch sử, lõi mở rộng (gồm có các khu đô thị mới mật độ cao), hành lang xanh (chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên) và 5 đô thị vệ tinh (Xuân Mai, Hoà Lạc, Sơn Tây, Phú Xuyên - Phú Minh, Sóc Sơn).
Tại hội thảo, đại diện các hội nghề nghiệp đều đánh giá cao nội dung của đồ án: ý tưởng quy hoạch rõ ràng, phù hợp với tư duy đô thị hoá hiện đại, bao quát được sự phát triển của Hà Nội kể cả khu vực nông thôn, coi trọng vành đai xanh, tuyến sông Hồng, có ý tưởng gìn giữ bản sắc Hà Nội. Tư vấn đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp lần trước và đã có những điều chỉnh hợp lý. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng và đáp ứng được yêu cầu phát triển của Hà Nội, các đại biểu đã kiến nghị đồ án cần lưu ý một số điểm như bảo tồn di sản văn hoá - lịch sử, lồng ghép di sản vật thể và phi vật thể đồng thời có kiến nghị bảo tồn cho một số khu vực cụ thể, giải quyết các vấn đề về sông – hồ, giao thông thuỷ, bảo tồn di sản thiên nhiên Ba Vì, làm rõ hơn khái niệm hành lang xanh, lưu ý đánh giá kinh nghiệm Hàn Quốc trong xác định vị trí Trung tâm hành chính quốc gia và nhiều vấn đề cấp thiết khác.
Hội thảo đã đạt được những kết quả rất tích cực, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, giúp tư vấn tiếp tục hoàn chỉnh đồ án trước khi phê duyệt.
H. Phước