Thị xã Hà giang là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Hà Giang (một trong 07 tỉnh biên giới phía Bắc đất nước), có vị trí nằm trên quốc lộ 2, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 135 km, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ khoảng 23 km; là trung tâm hành chính, kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang; thị xã có nhiều lợi thế để phát triển toàn diện, mở rộng giao lưu mọi mặt với các tỉnh trong vùng Tây Bắc, Đông Bắc.
Thị xã có hệ thống giao thông đi qua thuận lợi. Các quốc lộ 34, 4C có điểm khởi đầu tại thị xã nối với nhiều vùng cảnh quan thiên nhiên đẹp, giầu bản sắc văn hoá dân tộc, các di tích lịch sử văn hoá, cách mạng quan trọng đồng thời là hành lang biên giới có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới.
Là một đô thị miền núi Bắc - Bắc Bộ với 17 dân tộc sinh sống, địa hình núi non hùng vĩ, sông Lô nằm giữa đô thị, hệ sinh thái rừng nguyên sinh, tài nguyên văn hoá dồi dào tạo điều kiện để thị xã trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ du lịch; ngày nay thị xã đang phấn đấu trở thành trung tâm văn hoá - du lịch và phát triển kinh tế.
Trong những năm qua, kinh tế - xã hội thị xã đã có những bước phát triển ổn định. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2008 của thị xã như sau: Tổng thu ngân sách đạt 121,79 tỷ đồng và cân đối dư; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2005 - 2008 đạt 15,67% trong đó năm 2008 đạt 17,22%; thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo là 1,53%; diện tích xây dựng nhà ở đạt 13,54 m2/người; tỷ lệ nhà kiên cố đạt 53%.
Để tạo điều kiện quản lý, phát huy các tiềm năng về không gian và vật chất, cơ chế chính sách phù hợp UBND thị xã đã lập Đề án đề nghị công nhận thị xã là đô thị loại III.
Ngày 24/6/2009 Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định Đề án đề nghị công nhận thị xã Hà Giang là đô thị loại III. Sau khi nghe đại diện UBND thị xã trình bày Đề án, các báo cáo phản biện và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng đã thống nhất đề nghị Bộ Xây dựng xem xét quyết định công nhận thị xã là đô thị loại III.
H. Phước