Người dân đến làm việc tại Bộ phận Một cửa của quận Hoàn Kiếm. Ảnh: VGP/Minh Anh
Người dân không cần đi lại nhiều lần khi làm thủ tục hành chính
Năm 2023, UBND TP Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề. Đây cũng là mục tiêu được Thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ghi nhận tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội). Nếu như trước đây, nhiều người lao động chưa có việc làm phải đến trực tiếp Trung tâm, xếp hàng, xếp số, ngồi chờ có khi đến "cả ngày" để làm hồ sơ thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp với đủ các giấy tờ như sổ bảo hiểm xã hội gốc, quyết định nghỉ việc gốc, sổ hộ khẩu, căn cước công dân…, thì nay người lao động chỉ cần ở nhà mất 15 phút truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia gõ Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại ô Tìm kiếm nâng cao sau đó ấn Tìm kiếm, sau đó chọn Danh sách dịch vụ công phù hợp và ấn Nộp trực tuyến. Khi hồ sơ được phê duyệt hoặc bị từ chối, hệ thống sẽ gửi thông báo qua tin nhắn SMS tới người lao động, đồng thời hiển thị thông tin, văn bản liên quan trên cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Như vậy, sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp online trên Cổng dịch vụ công quốc gia, người lao động sẽ chờ đợi khoảng 20 - 25 ngày làm việc để được nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.
Vừa nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc, anh Đinh Ngọc Lân ở Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội phấn khởi chia sẻ, đây là lần đầu tiên anh Lân làm thủ tục đề nghị hưởng bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp nhưng anh thấy khá là bất ngờ với thái độ phục vụ của các cán bộ "một cửa" của Trung tâm.
"Các cán bộ ở đây rất nhiệt tình, niềm nở và dễ chịu. Có những giấy tờ hoặc vấn đề tôi đưa ra khá khó khăn, nhưng cán bộ chuyên môn đã tư vấn, hướng dẫn tôi xử lý một cách nhanh nhất. Tôi thấy rất hài lòng", anh Lân nhấn mạnh.
Hiện nay, người lao động chỉ mất 15 phút truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia để nộp hồ sơ “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”. Ảnh: VGP/Minh Anh
Theo anh Nguyễn Duy Kim, cán bộ phụ trách dịch vụ công của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thì lợi ích mang lại cho người dân rất nhiều từ khi có dịch vụ công cho người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian được rút ngắn, người dân không phải đi lại nhiều lần, đặc biệt là tiết kiệm chi phí cá nhân để in ấn, phô tô giấy tờ, xăng xe, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh như thời điểm dịch COVID-19 vừa qua.
"Trung tâm đã xây dựng quy trình khép kín, nỗ lực trong vòng 17 ngày làm việc có thể trả kết quả cho người dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đối với những phản ánh kiến nghị của công dân, cán bộ Trung tâm cũng gọi điện trao đổi, trả lời lí do tại sao hồ sơ trả lại. Nếu như năm 2022, Trung tâm tiếp nhận 4.500 hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp qua Cổng dịch vụ công quốc gia thì đến nay, riêng quý I/2023, Trung tâm tiếp nhận đến 2.571 hồ sơ, bình quân 150 hồ sơ/ngày, lượng hồ sơ đợt này tương đối nhiều, song anh chị em Trung tâm luôn cố gắng hỗ trợ, tư vấn giúp người lao động hoàn thành thủ tục, có thêm nguồn hỗ trợ để ổn định cuộc sống", anh Duy Kim chia sẻ.
Bà Phạm Ánh Nguyệt ở phố Thuốc Bắc, phường Hàng Bồ lại rất hài lòng khi chỉ mất chừng 10 phút, mọi thủ tục được giải quyết xong. Ảnh: VGP/Minh Anh
Ở quận Hoàn Kiếm, khi phải đến trực tiếp bộ phận "một cửa" UBND phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm vào cuối giờ làm việc buổi sáng để làm thủ tục trích lục bản sao giấy khai tử của chồng, bà Phạm Ánh Nguyệt ở phố Thuốc Bắc, phường Hàng Bồ lại rất hài lòng khi chỉ mất chừng 10 phút mọi thủ tục được giải quyết xong. Dự định buổi chiều hoặc ngày hôm sau bà sẽ quay trở lại lấy kết quả. Tuy nhiên, cán bộ công tác hộ tịch phường Hàng Bồ tiếp nhận hồ sơ, thực hiện ngay các thủ tục, 10 phút sau bà nhận kết quả.
"Việc giải quyết thủ tục hành chính ở phường Hàng Bồ ngày càng nhanh chóng, thuận lợi, cùng với đội ngũ cán bộ nhanh nhẹn, hoạt bát, thân thiện," bà Phạm Ánh Nguyệt hài lòng chia sẻ.
Ghi nhận những đánh giá tích cực từ người dân, lãnh đạo UBND phường Hàng Bồ thông tin, từ giữa tháng 4/2022, UBND quận Hoàn Kiếm triển khai thí điểm về "5 thủ tục hành chính không chờ", UBND phường Hàng Bồ thực hiện nghiêm túc, niêm yết công khai các thủ tục, tuyên truyền đến người dân, tổ chức, hướng dẫn công dân thực hiện đầy đủ, rõ ràng... Đến nay, phường Hàng Bồ tiếp nhận, xử lý hơn 800 hồ sơ thủ tục hành chính không chờ. Thời gian công dân chờ đợi để nhận kết quả khoảng 10 phút, không cần đi lại nhiều lần... Từ đó, UBND phường Hàng Bồ nhận được nhiều sự ủng hộ và phản ánh tích cực từ công dân. "Đây là nguồn động viên lớn để cán bộ phường Hàng Bồ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện thủ tục hạn chính, ngày càng mang lại sự thuận lợi, hài lòng cho người dân", đại diện lãnh đạo UBND phường Hàng Bồ cho hay.
CCHC theo hướng đơn giản, thuận tiện cho tổ chức, công dân
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, thời gian qua, công tác CCHC luôn được Sở và các đơn vị trực thuộc thường xuyên rà soát, chuẩn hoá, cập nhật những điểm mới về thủ tục hành chính và được quán triệt sâu, rộng tạo chuyển biến về nhận thức với viên chức, người lao động, đặc biệt là các viên chức, người lao động thường xuyên tiếp xúc với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ như: Phần mềm bảo hiểm thất nghiệp (gồm cả phần mềm 1 cửa), Phần mềm cơ sở dữ liệu dùng chung, Phần mềm phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến giữa doanh nghiệp với người lao động (sky) kết nối online thông qua điện thoại (smartphone). Các phần mềm đã được ứng dụng tốt trong triển khai thực hiện nghiệp vụ của toàn Trung tâm, qua đó giảm thời gian giải quyết và nâng cao được tính chính xác về giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, đồng thời kết nối hỗ trợ giới thiệu được việc làm cho người lao động.
Người lao động đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tiếp nhận 7.205 hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Trong đó, đã giải quyết đúng hạn cho 5.646 hồ sơ; đang giải quyết trong hạn 1.559 hồ sơ, không có hồ sơ nào quá hạn.
Thời gian tới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện cho tổ chức, công dân. Sửa đổi bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đối với lĩnh vực đang được triển khai thực hiện cho phù hợp với các quy định mới. Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, giải quyết tốt công việc cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt mức tối thiểu 90%.
"Đặc biệt, Sở cũng sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ viên chức, người lao động có đủ phẩm chất chính trị, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ tổ chức, công dân. Khuyến khích viên chức, người lao động học tập và tự học tập, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Phát huy có hiệu quả cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng có hiệu quả các phần mềm ứng dụng, đặc biệt trong việc giải quyết các thủ tục hành chính", Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam nhấn mạnh.
Tại quận Hoàn Kiếm, thời gian qua, quận cũng thường xuyên chỉ đạo, tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện công tác CCHC để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Cùng với tinh giản bộ máy, quận Hoàn Kiếm cũng đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính. Hiện nay, quận đã tích hợp các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành tới 100% phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, như: Hệ điều hành tác nghiệp, Phần mềm tiếp nhận và xử lý đơn thư; Phần mềm tiếp nhận hồ sơ hành chính; Phần mềm đánh giá mức độ hài lòng của công dân và tổ chức…
Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai Sổ điểm điện tử tại 100% các trường THCS và tiểu học thuộc quận; triển khai Sổ liên lạc điện tử tại 11/13 trường tiểu học (đạt 84,6%). Trong lĩnh vực quản lý thuế, 100% việc kê khai thuế được thực hiện qua mạng.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, từ yêu cầu của UBND Thành phố tại Văn bản số 445/UBND-KSTTHC, đặc biệt thực hiện phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước", quận Hoàn Kiếm tiếp tục đẩy mạnh rà soát, bố trí công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC tại đơn vị tham mưu thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Quận cũng thực hiện đầy đủ việc phân quyền tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị trên Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của Cổng dịch vụ công quốc gia.
"Với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, quận Hoàn Kiếm luôn tạo các điều kiện thuận lợi, khuyến khích những ý tưởng đột phá, thử nghiệm mới để cung cấp cho công dân những tiện ích, dịch vụ tốt nhất. Đây cũng là sự ghi nhận, năm 2022, quận Hoàn Kiếm đã dẫn đầu khối quận, huyện TP Hà Nội về Chỉ số CCHC với 96,08% điểm", Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay.
Theo Hội đồng thẩm định, đánh giá, chấm điểm, xác định chỉ số CCHC năm 2022 thành phố, qua nghiên cứu, đánh giá, cho thấy công tác CCHC năm 2022 của TP Hà Nội đã có sự cải thiện rõ nét. Với các sở và cơ quan tương đương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội dẫn đầu với chỉ số đạt 91,68%, thứ 2 là Sở Nội vụ: 91,59%. Với kết quả chỉ số CCHC khối quận, huyện, thị xã năm 2022, quận Hoàn Kiếm dẫn đầu với 96,08%. Đứng thứ hai là quận Nam Từ Liêm: 95,38%.