Chuyên gia về chuyển đổi số chung nhận định việc TP. Hà Nội đưa vào khai thác hệ thống thông tin ứng dụng dùng chung đã cho thấy thêm bước đột phát mới về cải cách hành chính. Ảnh: VGP/Minh Anh
Tăng cường chuyển đổi số để CCHC
Để cụ thể hóa các mục tiêu về chuyển đổi số, UBND TP. Hà Nội đã triển khai thực hiện chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hóa, xây dựng một chính quyền hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế xã hội.
Trong đó, Hệ thống thông tin báo cáo triển khai kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ tại Văn phòng UBND TP. Hà Nội; các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã; các đơn vị trực thuộc và 579 xã, phường, thị trấn. Cùng với đó là Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tập trung đi vào hoạt động đã hình thành cơ sở dữ liệu hành chính, phục vụ chỉ đạo, điều hành của UBND TP. Hà Nội, của Chủ tịch UBND Thành phố đến các cấp, các ngành trực thuộc thành phố, kết nối Trục liên thông văn bản Quốc gia.
Ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, các thủ tục hành chính (TTHC) được Hà Nội thực hiện với mục tiêu tối ưu hóa, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Các rào cản về giấy tờ, không gian, thời gian trong thực hiện TTHC cũng sẽ dần được xóa bỏ. Mọi thông tin từ quy định về thủ tục, tiến độ giải quyết, xử lý TTHC đều được công khai, minh bạch.
"Đây cũng sẽ là một công cụ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình quản lý nhà nước", ông Dũng nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia về chuyển đổi số chung nhận định việc TP. Hà Nội đưa vào khai thác hệ thống thông tin ứng dụng dùng chung đã cho thấy thêm bước đột phát mới về cải cách hành chính, một lần nữa khẳng định quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, của nền hành chính hiện đại.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Tài, Khoa Thương mại điện tử và Kinh tế số của Đại học Đại Nam cho rằng, Thành phố đã xác định rõ mục đích cũng như những giá trị lợi ích mang lại của hệ thống thông tin dùng chung, đây có thể xem là bước chuyển góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, việc triển khai nhanh hay chậm, nguồn nhân lực có đủ nhận thức, đủ trình độ tham gia vào hệ thống hay chưa thì Hà Nội cần tăng cường triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý về chuyển đổi số, về an ninh, an toàn thông tin mạng và tính riêng tư trên mạng cho người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước.
Là một trong những đơn vị địa phương tham gia tích cực vào việc thí điểm hệ thống thông tin ứng dụng dùng chung của Thành phố, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến chia sẻ, quận đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyển đổi số, số hóa trước tiên ở các lĩnh vực liên quan trực tiếp người dân như: Hộ tịch - tư pháp, Đất đai, Lao động - Thương binh và Xã hội, Đô thị, Di tích; Y tế, Thanh toán không dùng tiền mặt... Cùng với đó, quận đã triển khai số hóa các văn bản của quận, thành phố để phục vụ hoạt động điều hành nội bộ liên thông từ quận tới phường. Trong quá trình triển khai, quận đã chỉ đạo các bộ phận liên quan tạo thuận lợi cho người dân.
"Người dân được tham gia vào quá trình thực thi và phản biện chính sách; từ đó, tăng cường tính công khai, minh bạch", ông Chiến cho hay.
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để CCHC
Xuất phát từ thực tế công tác CCHC chưa đạt yêu cầu, quy trình giải quyết thủ tục hành chính còn cản trở phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển nên lãnh đạo TP. Hà Nội tiếp tục quyết tâm phải làm bằng được phân cấp, ủy quyền.
Mới đây, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền, với các quan điểm, nguyên tắc xây dựng phân cấp, ủy quyền theo đề xuất từ dưới lên và từ trên xuống; phân cấp, ủy quyền triệt để cho cấp huyện, cấp xã. Cùng với đó, Thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ khoảng 37% tổng số thủ tục hành chính.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, việc phân cấp, ủy quyền bước đầu mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; giúp các chính sách, quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác; rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính Nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp.
Thực tế trên địa bàn huyện Gia Lâm đến nay có tổng số 404 TTHC, trong đó, có 245 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện và 110 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của xã, thị trấn, 49 TTHC liên thông. Huyện đã thực hiện đơn giản hóa 58 TTHC cấp huyện, cắt giảm 212 ngày làm việc. Tại cấp xã, căn cứ vào tình hình thực tế tiến hành đơn giản hóa trung bình 20 TTHC/đơn vị, trong đó, chủ yếu là rút ngắn thời gian giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức.
Người dân làm thủ tục hành chính ở cấp quận
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, tới đây, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về công tác CCHC, tăng cường các hình thức tuyên truyền trực quan, tương tác với người dân về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết TTHC, về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cũng như việc phân cấp ủy quyền trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trực tiếp đến bộ phận "một cửa" làm thủ tục chứng thực những giấy tờ, văn bản có trong hồ sơ đăng ký đất đai, ông Nguyễn Phương Nam ở phường Tân Triều, quận Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ, nếu như trước đây bản thân ông phải mất nguyên một ngày để sao y, chờ đợi kết quả xác thực của các giấy tờ liên quan thì nay, người dân như chúng tôi chỉ cần đến một lần, chờ đợi trong thời gian ngắn để nhận kết quả.
"Rõ ràng việc phân cấp, ủy quyền của chính quyền các cấp đã đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính như chúng tôi", ông Nam cho hay.
Tương tự, thay vì phải mang hồ sơ trực tiếp tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội như trước đây, thì nay, anh Phạm Đức Anh ở huyện Quốc Oai, Hà Nội chỉ cần nộp hồ sơ Đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm trực tiếp tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Quốc Oai để được giải quyết nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian, hoặc cũng có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công thành phố Hà Nội (dichvucong.hanoi.gov.vn).
Anh Đức Anh phấn khởi chia sẻ: "Tôi không mất quá nhiều thời gian để đi quãng đường gần 30km như trước đây nữa mà có thể ngồi một chỗ bấm nút, việc này đã tiết kiệm được chi phí đi lại cho tôi cũng như doanh nghiệp. Sau 7 ngày, tôi đã nhận được giấy phép đăng ký hoạt động, sớm hơn so với trước 8 ngày, do đó việc được giải quyết thủ tục hành chính sớm theo phân cấp đã giúp các doanh nghiệp như chúng tôi có thể chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh của mình sắp tới".
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ
Theo kế hoạch, từ tháng 3/2023 này, Đoàn kiểm tra công tác CCHC của TP. Hà Nội sẽ bắt đầu nội dung kiểm tra tập trung vào việc triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố; việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ Thành phố giao tại Kế hoạch CCHC năm 2023; việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC, tập trung vào những nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch CCHC năm 2023 của cơ quan, đơn vị...
Trong đó, ưu tiên việc kiểm tra các nội dung theo chuyên đề, kết hợp với các Đoàn kiểm tra chuyên ngành khác, tích hợp các kết quả kiểm tra để tránh chồng chéo, tiết kiệm thời gian, nguồn lực của thành phố.
Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra trực tiếp; kiểm tra thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý và kiểm tra qua báo cáo. Kết quả kiểm tra CCHC là căn cứ quan trọng để xác định chỉ số CCHC của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã.
Theo Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng, Thành phố Hà Nội đã thành lập và thúc đẩy hoạt động Tổ công tác kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố giao (Tổ công tác) thông qua nền tảng Hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ UBND Thành phố. Qua đó, Thành phố khẳng định quyết tâm siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, bảo đảm hoàn thành hiệu quả chương trình công tác năm 2023.
"Để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ đúng tiến độ và hiệu quả, Tổ công tác đã đề nghị các sở, UBND các địa phương khẩn trương kiểm tra, làm rõ lý do chậm muộn, tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố", ông Trương Việt Dũng nhấn mạnh.
Như vậy, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp lớn từ việc chuyển đổi số, phân cấp ủy quyền, đồng thời kiểm tra đôn đốc các nhiệm vụ về cải cách hành chính, Hà Nội đang thể hiện rõ quyết tâm tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, đúng các mục tiêu Thành phố đưa ra.