Việc ứng dụng CNTT nói chung, xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) nói riêng của tỉnh đã và đang đóng vai trò tích cực phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp hoàn toàn trên hệ thống CNTT đồng bộ.
Quảng Ninh được các bộ, ngành trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Điều này được thể hiện rõ: 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã tham gia vào hệ thống CQĐT của tỉnh; 100% CB,CC,VC trong các cơ quan hành chính nhà nước được trang bị máy tính kết nối internet để thực hiện công việc, được cấp tài khoản công chức điện tử và cơ bản sử dụng thành thạo các tiện ích do hệ thống CQĐT cung cấp; trên 98% văn bản hành chính được trao gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số...
Đến nay, 100% TTHC từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào Hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết TTHC trong phạm vi toàn tỉnh. Trên 80% (1.397/1.725 TTHC) được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Trong năm 2020, có gần 75.800 hồ sơ dịch vụ công được thực hiện trực tuyến/tổng số hơn 166.200 hồ sơ giải quyết TTHC, đạt tỷ lệ trên 45%. Theo ghi nhận của Văn phòng Chính phủ, Quảng Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ phát sinh hồ sơ dịch vụ công trực tuyến cao nhất toàn quốc.
Tại Trung tâm Hành chính công TX Quảng Yên, việc ứng dụng CNTT đã giúp các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, đem lại sự hài lòng cho nhiều tổ chức, cá nhân.
Cũng trong năm 2020, tỉnh đã hoàn thiện việc kết nối hệ thống CQĐT của tỉnh tới tất cả các bộ, ban, ngành của trung ương và tất cả các địa phương trong toàn quốc để gửi, nhận văn bản điện tử có ký số. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia với 519/1.725 dịch vụ, đạt tỷ lệ 30,1%, là địa phương đứng đầu trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Tỉnh đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng và đang vận hành có hiệu quả mạng thông tin CQĐT từ cấp tỉnh đến cấp xã với những thành phần chủ chốt, gồm: Hạ tầng nền tảng (Trung tâm tích hợp dữ liệu chuẩn Tier 3, mạng WAN đồng bộ các cấp, hệ thống CNTT đồng bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã); Hệ thống các phần mềm dùng chung cốt lõi (Cơ sở dữ liệu quản lý văn bản, Cơ sở dữ liệu một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến dùng chung của tỉnh, Thư điện tử công vụ...)
Cổng thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ https://quangninh.gov.vn/, gồm 1 Cổng chính (cấp 1) với 3 chuyên trang là: Dịch vụ công trực tuyến, Du lịch, Doanh nghiệp; 67 cổng thành phần (cấp 2) của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; 149 cổng thành phần (cấp 3) của các xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố; 19 trang thông tin điện tử liên kết.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của Quảng Ninh hiện kết nối liên thông trong toàn tỉnh, với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT tại Báo cáo Vietnam ICT Index hàng năm, giai đoạn 2016-2018, Quảng Ninh giữ vững vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng ứng dụng CNTT; năm 2019 vươn lên vị trí thứ 3.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Đinh Sỹ Nguyên cho biết: Ứng dụng sâu CNTT vào các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước chính tại tỉnh là công cụ hữu hiệu nhất để thực hiện CCHC, giúp cho việc giải quyết TTHC ngày càng minh bạch, công khai; đồng thời tạo môi trường cung cấp, trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân một cách thuận tiện, kịp thời, dễ dàng. Thông qua cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công, thư điện tử và trực tiếp qua các trung tâm hành chính công, chính quyền có thể triển khai sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... và nhận những phản hồi từ phía người dân, doanh nghiệp, tổ chức. CNTT đã thực sự trở thành hạ tầng quan trọng, gắn kết chặt chẽ mọi mặt KT-XH, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp tích cực trong việc cung cấp thông tin phục vụ người dân, giảm thiểu khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa...