Thực trạng hệ thống hạ tầng và xu hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh tại Hà Nội

Thứ hai, 09/01/2023 09:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bài viết này nêu lên thực trạng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) đô thị Hà Nội hiện nay: Giao thông, cấp nước, thoát nước, chất thải rắn, năng lượng và chiếu sáng đô thị… Đồng thời nêu một số xu hướng cần thiết như: thông minh hóa đô thị bắt đầu ngay từ quy hoạch, xây dựng hệ thống CSDL tích hợp cho phân tích quản lý, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn. Triển khai đầu tư xây dựng và kết nối hệ thống đồng bộ theo quy hoạch.

1. Đặt vấn đề

Khái niệm đô thị thông minh ra đời từ những năm cuối thế kỷ 20 trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra ở tốc độ cao tạo ra áp lực lớn lên hạ tầng đô thị hiện hữu của các đô thị trên phạm vi toàn cầu. Các thuộc tính Đô thị thông minh (ĐTTM) theo nghĩa rộng được chia làm 3 nhóm và quan hệ mật thiết với nhau: Đó là môi trường và sự phát triển bền vững; Các dịch vụ đô thị; Chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, các đô thị thông minh đều lấy: (1) Hạ tầng xã hội thông minh, (2) Hạ tầng kỹ thuật thông minh, và (3) Hạ tầng thông tin (số) thông minh, làm hạ tầng cơ bản (nền tảng) để phát triển.

Hà Nội là một đô thị lớn, là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước…đã sớm chú trọng đến phát triển xây dựng đô thị thông minh bền vững để giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của đô thị đặc biệt là hệ thống HTKT đô thị.

2. Một số vấn đề về thực trạng hệ thống HTKT Đô thị

a .Giao thông đô thị

Hệ thống giao thông Thành phố Hà Nội về cơ bản đang được triển khai đầu tư xây dựng trên cơ sở tuân thủ theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong những năm qua, hạ tầng giao thông của Thành phố Hà Nội đã được quan tâm đầu tư. Hiện nay trên địa bàn Thành phố có trên 4.000km đường, trong đó có 2.052km đường đô thị với những công trình trọng điểm như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đại lộ Thăng Long, nút giao thông Khuất Duy Tiến, cao tốc đô thị (vành đai 3 trên cao)… Hệ thống giao thông công cộng với những điểm nhấn như đưa vào hoạt động tuyến xe buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã - Yên  Nghĩa, 1 tuyến đường sắt đô thị đang hoạt động (tuyến 2A), 1 tuyến đang xây dựng hứa hẹn sẽ thay đổi bộ mặt giao thông đô thị của Hà Nội.

Tuy nhiên, sự phát triển hạ tầng giao thông không đáp ứng được so với việc phát triển đô thị, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 10,07% đất xây dựng đô thị, thấp hơn rất nhiều so với quy định (phải đạt từ 16%-26%). Tốc độ đô thị hóa nhanh với sự gia tăng dân số kéo theo các phương tiện giao thông cá nhân đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số khoảng 6,5 triệu phương tiện giao thông đường bộ, chủ yếu là phương tiện cá nhân, trong đó xe máy với trên 5,9 triệu xe, khoảng 420.000 ô tô con. Tăng trưởng các phương tiện giao thông cá nhân bình quân 11%/năm, trong khi đó tăng trưởng về chiều dài đường chỉ đạt 3,9%/năm, diện tích mặt đường 0,25%/năm, đặc biệt khu vực Trung tâm thành phố gần như không tăng. Các tuyến đường sắt đô thị liên tục bị chậm tiến độ do thiếu vốn và các yếu tố kỹ thuật.

(Bảng số liệu phát triển giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội)

b. Cấp nước

Nhu cầu được cấp nước Đủ - Sạch - Thường xuyên của người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội hàng ngày là không thể thiếu. Hiện nay, hệ thống cấp nước Hà Nội chủ yếu sử dụng nguồn nước sạch của 15 NMN ngầm, 3 NMN mặt và 14 trạm cấp nước cục bộ, khoảng 500km ống truyền tải đường kính từ DN500-DN2000 và 3000 km ống phân phối đường kính từ DN100-DN600. Tổng công suất khai thác 1.775.000 m3/ngày đêm (trong đó: Nước ngầm: 475.000 m3/ngày đêm; nước mặt 1.050.000 m3/ngày đêm). Các nguồn cấp nước cục bộ khu vực nông thôn có công suất khai thác khoảng 250.000 m3/ngày đêm.

- Cấp nước đô thị: Tỷ lệ người dân khu vực đô thị của Hà Nội được cấp nước sạch gần đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ thất thoát nước sạch trên hệ thống khoảng dưới 18%.

Hệ thống truyền tải của thành phố giữa các khu vực được cấp nước còn thiếu kết nối dẫn đến khả năng hỗ trợ giữa các hệ thống còn thiếu.

- Cấp nước nông thôn: Hiệu suất vận hành trung bình của các trạm cấp nước nông thôn chỉ đạt khoảng 75% so với công suất thiết kế. Tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình của các trạm cao, khoảng 30%. Trong tổng số 96 trạm cấp nước đang hoạt động, khoảng 37% số trạm có quy trình vận hành và khoảng 49% số trạm có nhật ký vận hành.

Mô hình thực trạng về công tác tổ chức quản lý và vận hành hệ thống cấp nước trên địa bàn thành phố thời gian qua là rất đa dạng, còn nhiều bất cập; chưa phải là một chế độ quản lý, vận hành hệ thống cung cấp nước sạch thống nhất trên toàn địa bàn thành phố.

c. Cao độ nền và thoát nước mặt

Trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được duyệt, thành phố đã chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng các công trình thoát nước đầu mối như: Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội - trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; Công viên và hồ điều hòa CV1; Tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích…

Hiện nay, Hà Nội mới chỉ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân), có thể giải quyết tình trạng ngập úng cho những trận mưa có cường độ 300mm/2 ngày; Còn lại các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa như khu vực Tả Hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và các khu đô thị mới vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.

Một số công trình trạm bơm tiêu chính và các công trình đầu mối kèm theo như kênh dẫn, kênh xả, hồ điều hòa Trạm bơm Liên Mạc (90m3/s), trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối (65m3/s)…chưa được đầu tư xây dựng, sông Nhuệ và hệ thống kênh xả, kênh dẫn về các trạm bơm chưa được cải tạo, nạo vét là những nguyên nhân chính chưa đảm bảo được công tác thoát nước cho Thành phố.

d. Thoát nước thải, chất thải rắn và nghĩa trang

- Thoát nước thải

Theo Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 và Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 30/12/2013 của UBND Thành phố về phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị Thành phố giai đoạn đến năm 2020, trong đó: 02 dự án xây dựng NM XLNT Hồ Tây và Bảy Mẫu đã hoàn thành, dự án xây dựng hệ thống thu gom và NM XLNT Yên Xá đang thực hiện; 12 dự án xây dựng NM XLNT (gồm Phú Đô, Tây Sông Nhuệ, An Lạc, Hà Đông, Tiền Phong, Cổ Loa, Yên Viên, Nam An Khánh, Đức Thượng, Lại Yên) chưa thực hiện; 02 dự án xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải về NM XLNT Yên Sở và Hồ Tây đã lập hồ sơ đề xuất dự án nhưng chưa thực hiện.

Hiện nay, toàn thành phố có 06 nhà máy và trạm xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào khai thác vận hành nhưng tập trung chủ yếu tại các vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (lưu vực Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ), cụ thể:

Thống kê nhà máy và trạm xử lý nước thải hiện có

Theo thống kê, tổng công suất của 06 nhà máy và trạm xử lý nước thải hiện có là 276.300 m3/ngđ, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý. Tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu nước thải cần được xử lý trên địa bàn thành phố đến năm 2020 đạt 60% lượng nước thải được thu gom và xử lý theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012-2020.

Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch, việc thu gom và vận chuyển nước thải về nhà máy hoặc trạm xử lý nước thải còn nhiều hạn chế và chủ yếu sử dụng hệ thống thoát nước chung cả nước mưa và nước thải.

- Chất thải rắn:

Trung bình mỗi ngày, tại thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 7.000 tấn/ngày đêm. Dù đã có nhiều cố gắng, song do năng lực quản lý, thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế, mới đạt khoảng 90%. Công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh, sản xuất phân hữu cơ và đốt chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Số lượng rác thải phát sinh hằng ngày được thu gom, xử lý chưa kịp thời dẫn tới một lượng lớn rác bị tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều khu dân cư.

Một số khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp huyện bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh đã đầy và đóng cửa (Đông Lỗ, Vân Đình, Yên Vĩ, Cao Dương, Kiêu Kỵ), rác thải sinh hoạt được phân luồng tập trung chủ yếu về 02 khu xử lý chính của thành phố là Nam Sơn và Xuân Sơn để chôn lấp đã gây quá tải, quãng đường vận chuyển xa, làm tăng chi phí, tăng nguy cơ rơi vãi nước rác, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển.

Trên địa bàn thành phố hiện có Nhà máy điện rác Sóc Sơn mới đưa vào hoạt động, và có 04 nhà máy đốt rác đã sử dụng (đốt không phát điện), tuy nhiên công suất nhỏ và hoạt động không hiệu quả, không đảm bảo công suất thiết kế, thường xuyên hư hỏng phải dừng để thực hiện bảo trì, sửa chữa, cảo tạo nâng cấp hoặc đã đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động (Phương Đình - Đan Phượng; Xuân Sơn - Sơn Tây; Việt Hùng - Đông Anh).

Việc xây dựng, mở rộng các nhà máy xử lý chất thải rắn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, chậm thực hiện các chính sách phục vụ công tác di dời nên người dân nhiều lần chặn xe vào khu xử lý rác. Bên cạnh đó, bãi rác Nam Sơn đã hoạt động trong tình trạng quá tải, bãi rác đã đi vào vận hành hơn 20 năm.

- Nghĩa trang:

Hà Nội đã triển khai 03 dự án đầu tư: Mở rộng nghĩa trang Vĩnh Hằng, huyện Ba Vì; Cải tạo, mở rộng nghĩa trang Thanh Tước, huyện Mê Linh thành công viên nghĩa trang theo quy hoạch; Lập quy hoạch, chuẩn bị đầu tư để triển khai 06 nghĩa trang tập trung cấp thành phố, gồm: Nghĩa trang Minh Phú (Sóc Sơn), nghĩa trang Xuân Nộn (Đông Anh), nghĩa trang Trung Màu (Gia Lâm), nghĩa trang Trần Phú (Chương Mỹ), nghĩa trang Chuyên Mỹ (Phú Xuyên); 11 nghĩa trang tập trung cấp huyện, gồm: Sóc Sơn (5ha), Đông Anh (10ha), Quốc Oai (11ha), Phúc Thọ (15ha), Thường Tín (35ha), Thanh Oai (30ha), Ứng Hòa (10ha), Đan Phượng (30ha), Hoài Đức (20ha), Mỹ Đức (10ha), Thạch Thất (34ha) và 08 cơ sở hỏa táng trong các nghĩa trang tập trung (gồm: Minh Phú, Bắc Sơn (Sóc Sơn); Xuân Nộn (Đông Anh); Chuyên Mỹ (Phú Xuyên); Trung Màu (Gia Lâm); Vĩnh Hằng, Yên Kỳ 2 của thành phố (Ba Vì); Trần Phú (Chương Mỹ) theo quy hoạch).

e. Về hạ tầng cung cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị

Mở rộng nâng cấp trạm 500kV Thường Tín, xây mới các trạm 500kV Quốc Oai, Đông Anh, Đan Phượng và Hiệp Hòa (trên địa bàn tỉnh Bắc Giang) đến năm 2030 đạt tổng công suất là 11.700 MVA. Xây dựng mới tuyến 500kV Thường Tín - Quốc Oai - Đan Phượng và đấu nối với tuyến 500kV từ Sơn La đi Hiệp Hòa, tuyến 500kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Phố Nối. Cải tạo mở rộng 5 trạm 220kV hiện có là Sóc Sơn, Mai Động, Chèm, Hà Đông, Xuân Mai và xây dựng mới 21 trạm khác với tổng công suất đến năm 2030 đạt 14.250MVA.

Mạng lưới cung cấp điện cho đô thị của thành phố Hà Nội đã đảm bảo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hiện nay nhiều tuyến cáp đã được hạ ngầm, mức độ an toàn trong cung cấp điện cũng đã được nâng cao và không còn là vấn đề lớn trong công tác quy hoạch. Tuy nhiên, vấn đề về sử dụng tiết kiệm điện vẫn phải được chú ý nhằm giảm tổn thất điện năng trên đường truyền dẫn, cũng như trong quá trình sử dụng. Đối với mạng lưới cung cấp năng lượng, nhiên liệu khác (xăng dầu, khí đốt than…) cần phải được quan tâm mạnh mẽ hơn. Trong các quy hoạch hệ thống đô thị, nội dung này còn thiếu hoặc khá sơ sài.

Thành phố đã cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng đô thị phù hợp với tính chất, chức năng của công trình và tiêu chuẩn quy định. Tỷ lệ 100% đường đô thị và trên 90% đường ngõ xóm được chiếu sáng hiệu suất cao. Xây dựng trung tâm điều khiển chiếu sáng tập trung cho toàn bộ các khu vực đô thị.

f. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin

Cơ sở hạ tầng viễn thông của Hà Nội được xây dựng và phát triển khá hiện đại, an toàn, tốc độ truyền dữ liệu khá cao, vùng phủ dịch vụ sóng thông tin di động 3G, 4G rộng, trên phạm vi toàn thành phố. Hà Nội tập trung đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G). Số lượng kết nối Internet tốc độ băng thông rộng cố định và di động bình quân đạt mức cao trên 71% (trên 100 hộ dân). Các đô thị Hà Nội không còn khu vực không được kết nối viễn thông. Đã từng bước ngầm hóa các đường dây đi nổi, kết hợp chỉnh trang đồng bộ hạ tầng đô thị: 100% ngầm hóa tại các khu đô thị mới phát triển, tuyến đường mới mở. Đến nay, đã thực hiện được 146/253 tuyến, nâng số tuyến hạ ngầm giai đoạn 2016-2020 lên 336 tuyến (giai đoạn trước năm 2016 hạ ngầm được 190 tuyến).

Hạ tầng mạng diện rộng của thành phố (WAN) kết nối đến 579/579 xã, phường, thị trấn, kết nối cơ quan chính quyền các cấp của thành phố.

Tích hợp mạng WAN của thành phố Hà Nội vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ. Kết nối hoạt động mạng tin học UBND Thành phố với Mạng thông tin điện tử hành chính Chính phủ, thực hiện liên thông các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xuyên suốt đến thành phố. Đảm bảo duy trì mạng thông tin điện tử, chia sẻ dữ liệu giữa Thành ủy - HĐND - UBND thành phố phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố.

Cơ sở hạ tầng trang thiết bị CNTT tại các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng. Hình thành trung tâm điều hành thông minh của thành phố Hà Nội.

Đầu tư và duy trì các hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT dùng chung của thành phố; đảm bảo hạ tầng kết nối và cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, việc ứng dụng và sử dụng hạ tầng viễn thông, CNTT vào phục vụ cho các định hướng phát triển thành phố Hà Nội thông minh, các đô thị thông minh mới chỉ bước đầu được triển khai trong một số lĩnh vực như giao thông, cấp điện chiếu sáng…Việc ứng dụng này cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt và triển khai thực hiện, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Tại khu vực đô thị trung tâm, bộ mặt đô thị đã chuyển biến tích cực với nhiều khu vực phát triển đô thị mới, cảnh quan đô thị được nâng cao, cây xanh đô thị được quan tâm đầu tư phát triển, đời sống người dân được nâng cao…tuy nhiên qua khảo sát thực trạng hệ thống HTKT đô thị còn rất nhiều vấn đề cần được cải thiện theo xu hướng thông minh hóa hệ thống trong các quy hoạch, đề án, dự án về Thành phố thông minh, các khu đô thị thông minh.

3. Một số vấn đề cần giải quyết theo xu hướng thông minh hóa Đô thị

a.Tuân thủ Quy hoạch

Các quyhoạch cấp dưới cần tuân thủ quy hoạch cấp trên (Quy hoạch chi tiết cần tuân thủ quy hoạch phân khu, quy hoạch chung) tránh tình trạng sau khi hoàn thành quy hoạch chi tiết lại điều chỉnh quy hoạch phân khu cho phù hợp…Các Quy hoạch cấp trên cần hạn chế điều chỉnh, khi điều chỉnh cần phải được các cấp xem xét rất kỹ lưỡng.

Các quy hoạch chuyên ngành về Hạ tầng kỹ thuật: Giao thông, cấp nước thoát nước, rác thải, nghĩa trang… về quy mô, định hướng quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật cần phải thống nhất với quy mô, định hướng của Quy hoạch xây dựng chung toàn thành phố Hà Nội, tránh tình trạng “phải điều chỉnh quy hoạch thu hẹp quy mô, điều chỉnh hoặc hủy bỏ”…

Việc quy hoạch hệ thống HTKT các khu đô thị mới, thông minh cần hòa hợp với các khu vực xung quanh tránh tình trạng các khu đô thị mới là các ốc đảo, thiếu sự liên kết hạ tầng như về giao thông, thoát nước…

b. Thông minh hóa đô thị nên bắt đầu ngay từ Quy hoạch

Trong nhiều đề án Thành phố thông minh, Đô thị thông minh phần quy hoạch chủ yếu đưa ra các vấn đề như công  bố quy hoạch, cập nhật quy hoạch mới… tuy nhiên để đảm bảo tính xuyên suốt và thống nhất thì yếu tố thông minh phải được đưa ngay từ khi nghiên cứu lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành ở nhiều mức như: Quy hoạch chung toàn thành phố, Quy hoạch chung đô thị, Quy hoạch phân khu và Quy hoạch chi tiết.

Việc quy hoạch đô thị thông minh thể hiện qua các giải pháp tổ chức cấu trúc đô thị về chức năng sử dụng thuận tiện, tiết kiệm thời gian và quãng đường di chuyển, giữ được các đặc trưng giá trị văn hóa lịch sử, phát huy tiềm năng động lực phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch thông minh khai thác hài hòa các yếu tố tự nhiên về địa hình, địa chất, cảnh quan, khí hậu…giảm chi phí đầu tư xây dựng đô thị, tiết kiệm năng lượng và vẫn tạo được môi trường sống tốt, hài hòa với thiên nhiên.

Trong quy hoạch đô thị thông minh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò nền tảng. Thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh sẽ giảm được chi phí đầu tư xây dựng mà tăng được hiệu quả sử dụng vận hành. Với từng hệ thống ngoài việc thiết kế thông minh hiệu quả, việc áp dụng công nghệ thông tin thu thập dữ liệu, tự động hóa điều phối vận hành để nâng cấp sẽ tăng cao hiệu quả mà không nhất thiết cần đầu tư xây dựng thêm.

Sự kết hợp liên thông hỗ trợ và điều phối giữa các hệ thống hạ tầng với nhau cũng sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả hoạt động. Chẳng hạn: kết hợp giữa hệ thống thoát nước với giao thông ngầm, kết hợp giữa thoát nước xử lý nước thải với thoát nước mặt, tái chế các chất thải rắn, lỏng…cho phân bón hoặc tạo năng lượng.

c. Hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung

Hạ tầng cơ sở dữ liệu (CSDL) tích hợp dùng chung là cấu phần quan trọng nhất trong “Kiến trúc ICT thành phố thông minh”. Theo quan điểm mới về chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phần cứng, phần mềm, cơ chế chính sách, nhân sự đều có thể thay thế, nâng cấp nhưng dữ liệu như một tài sản quan trọng cần luôn được bảo vệ, khai thác và liên tục được làm giàu.

Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung là hệ thống tích hợp dữ liệu không gian đô thị và Hệ thống thông tin về hạ tầng đô thị. Hệ thống này là một hệ thống CSDL có chứa thông tin địa lý (GIS 2D, 3D) thuộc lĩnh vực Quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị và các dữ liệu chuyên ngành như giao thông, năng lượng, cấp nước, thoát nước, chất thải, y tế, giáo dục… Hệ thống này sẽ làm cơ sở để phát triển các ứng dụng quản lý, hỗ trợ ra quyết định, giúp lãnh đạo các cấp giám sát điều hành, quản lý một cách tổng thể, cho phép chia sẻ dữ liệu cho phát triển đô thị thông minh, giúp cho doanh nghiệp tạo ra dịch vụ mới…

Hạ tầng CSDL tích hợp dùng chung: Thống nhất mô hình thông tin để cho phép kết nối các CSDL với nhau, loại bỏ các dữ liệu trùng lắp và đảm bảo tính thống nhất dữ liệu trong toàn hệ thống.

d. Xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về Đô thị thông minh

Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh; Tuy nhiên, các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí theo các mục tiêu quản lý chuyên ngành lĩnh vực đặc thù vẫn còn thiếu; hệ thống tiêu chí đánh giá về ĐTTM của các địa phương cũng còn rất khác nhau và chịu ảnh hưởng nhiều của các nhà cung cấp giải pháp ĐTTM.

Để giải quyết vấn đề này, các Bộ, ngành cần sớm ban hành các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về ĐTTM. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn này không chỉ đánh giá ĐTTM mà còn nhằm kiểm soát và xác định các yêu cầu đối với khả năng liên thông, liên tác của các giải pháp công nghệ riêng cũng như việc tích hợp các thành phần trong Đô thị thông minh.

4. Kết luận

Sau khi mở rộng địa giới hành chính và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt đến nay Hà Nội đã phát triển rất nhanh, hình thành một số khu vực lớn với nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, công viên cây xanh, công trình công cộng, hạ tầng xã hội được xây dựng…tạo cho Hà Nội những dấu ấn rất tích cực. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, một số công trình, dự án quy mô đầu tư, hiện đại đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng…Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề như Hạ tầng kỹ thuật còn thiếu chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ theo quy hoạch. Để nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng, một mặt cần tiếp tục đầu tư xây dựng thêm, mặt khác cần nâng cấp, thông minh hóa hệ thống hạ tầng hiện có, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu điều phối tổ chức vận hành liên thông một cách hiệu quả nhất, trong đó có sự tham gia của người dân.

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ĐTTM còn thiếu, chưa xây dựng được Hệ thống CSDL tích hợp dùng chung trong lĩnh vực Quy hoạch - Kiến trúc - Xây dựng - Phát triển đô thị và các dữ liệu chuyên ngành…Các nội dung này cần phải tập trung giải quyết để xây dựng phát triển Hà Nội trở thành một Đô thị Thông minh, bền vững trong thời gian tới.

THS.KTS Lưu Quang Huy

THS.KTS Lê Chính Trực

TS.Phan Thế Hùng

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Đô thị, Số 47/2022

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)